biện pháp hạn chế sự phát triên̉ hoang mạc

2 câu trả lời

Trong những năm qua, biến đổi khí hậu diễn ra với cường độ mạnh và nhanh, dẫn đến nhiều diện tích đất bị thoái hóa, hoang mạc hóa, làm mất đi từng phần hoặc toàn bộ tính năng sản xuất. Mặt khác, do nhận thức và hiểu biết về đất đai còn hạn chế, cho nên người dân đã lạm dụng và khai thác không hợp lý. Cùng với đó là sự suy giảm của rừng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm nguồn nước, hạn hán hoành hành ở một số nơi, nhất là ở các tỉnh miền trung, vùng núi phía bắc và Tây Nguyên ngày một nghiêm trọng, dẫn tới hằng năm có khoảng 1,5% diện tích đất bị xói mòn, mất khả năng sản xuất.

Bên cạnh sự suy thoái về đất nông nghiệp thì suy thoái về đất lâm nghiệp cũng diễn biến hết sức phức tạp. Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai Tô Mạnh Tiến cho biết, cả tỉnh có khoảng 353 nghìn ha rừng, mỗi năm trồng mới 6.000 - 8.000 ha rừng. Trong đó, khoán bảo vệ cho toàn bộ diện tích rừng tự nhiên chủ yếu cho cộng đồng thôn, bản sống cạnh rừng. Hiện nay, tỉnh đã giao được khoảng 270 nghìn ha rừng cho người dân. Thời gian tới, tỉnh sẽ thí điểm giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá trị sản xuất rừng tại Lào Cai vẫn chưa cao, nguy cơ sa mạc hóa lớn, tỉnh cũng chưa tìm được tập đoàn cây trồng phù hợp mang về giá trị cao cho người dân.

Thực tế cho thấy, đất sa mạc hóa ở Việt Nam không tập trung thành hoang mạc rộng hàng trăm nghìn héc-ta như một số quốc gia khác, mà phân bố trên khắp các vùng, miền, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn miền núi. Đây là những vùng đất trống, cát ven biển và đất rừng nghèo bị suy thoái kéo dài từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đến TP Đà Nẵng, Bình Thuận, các khu vực trung du miền núi phía bắc... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc quy hoạch, phân bổ và kế sách cho việc cải tạo đất. Nhiều biện pháp chống sa mạc hóa đã được đề xuất, tuy nhiên, chỉ mang tính chất khuyến khích, nâng cao nhận thức của người dân về ảnh hưởng của tình trạng sa mạc hóa đất nông nghiệp mà không trực tiếp đi thẳng vào việc nâng cao và cải thiện những diện tích đất đang bị sa mạc hóa.

Để giảm tốc độ sa mạc hóa đất sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt, hạn hán, lũ lụt xảy ra triền miên tác động lớn đến nông nghiệp, nông thôn, đòi hỏi cần phải đưa ra các giải pháp để hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Trong đó, biện pháp hàng đầu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất là khắc phục tình trạng khai thác bừa bãi rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển. Chia sẻ về quan điểm này, bà Phạm Minh Thoa (Văn phòng Ban Điều phối quốc gia Chương trình Phòng chống sa mạc hóa) cho rằng, cần thiết phải quản lý nguồn nước, điều tiết nguồn nước tưới một cách hợp lý, tăng mật độ cây xanh, trồng rừng và bảo vệ rừng để làm tăng nguồn nước ngầm, chống xói mòn. Các địa phương cần lưu ý quy hoạch sử dụng đất hợp lý theo hướng bền vững, trên cơ sở nghiên cứu địa lý, sinh thái tổng hợp cho phù hợp từng vùng để hạn chế tình trạng thoái hóa đất.

Thực tế cho thấy, sự phát triển kinh tế thiếu quy hoạch, không đồng bộ ở nhiều vùng cũng là nguyên nhân gây ra nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa. Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở nhiều nơi bị phá để trồng cà-phê, tiêu, điều, khoai, sắn, mía… vẫn chưa có những giải pháp giải quyết hữu hiệu. Việc phát triển đàn gia súc ở Bình Thuận, Ninh Thuận trong khi chưa chủ động sản xuất thức ăn chăn nuôi đã làm nặng nề thêm thiệt hại vào những năm hạn hán. Với những thực trạng nêu trên, hàng trăm nghìn héc-ta đất của các tỉnh trong khu vực miền trung và Tây Nguyên tiềm ẩn nguy cơ hoang mạc hóa, sa mạc hóa.

Phòng, chống hoang mạc hóa, sa mạc hóa là một vấn đề mang tính chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài, với sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó giải pháp khoa học - công nghệ thủy lợi là trung tâm, các giải pháp về đất, rừng... là phối hợp. Theo đó, cần huy động mọi nguồn lực xây dựng các công trình điều tiết nguồn nước, như các công trình hồ chứa lớn dạng tổng hợp phục vụ đa mục tiêu vừa cắt lũ trong mùa mưa, tăng nguồn nước trong mùa kiệt, vừa phát điện, khai thác du lịch... Xây dựng các hồ, ao nhỏ để trữ nước tại chỗ với quy mô phù hợp, với giải pháp che phủ hạn chế bốc hơi tạo nguồn nước mặt và tăng nguồn nước ngầm. Thêm vào đó, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng để hạn chế độ bốc hơi và giữ nguồn nước mặt; xây dựng các đập ngầm dọc ven biển, nhằm hạn chế thoát nước ngọt ra biển, tăng trữ lượng nước ngầm.

Một giải pháp hết sức quan trọng nữa là cần đẩy nhanh tiến độ xử lý nước thải và sử dụng nước hồi quy. Theo đó, các địa phương cần kiên quyết thực hiện việc xử lý nước thải theo các quy định của Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường. Chỉ đưa vào nguồn nước sau khi nước thải đã được xử lý đạt tiêu chuẩn quy định. Kiên quyết tạm ngừng sản xuất đối với các cơ sở sản xuất có nước thải chưa xử lý đạt tiêu chuẩn xả vào nguồn nước. Đối với các giải pháp phi công trình cần chuyển đổi và sắp xếp cơ cấu kinh tế, cơ cấu mùa vụ, cây trồng phù hợp. Sử dụng các loại giống cây trồng thích hợp, sử dụng ít nước với thời gian gieo trồng thích hợp để giảm diện tích lúa là loại cây cần nhiều nước, vẫn bảo đảm thu nhập cao cho nông dân…

Phòng, chống hoang mạc hóa, sa mạc hóa là công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Kinh nghiệm nhiều nơi trên thế giới cho thấy, nếu không có giải pháp đồng bộ, phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực nhằm mục tiêu chung thì kết quả rất hạn chế. Mặt khác, trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường thì việc thực hiện một hệ thống giải pháp nêu trên, cùng với sự tham gia tích cực và tự giác của cộng đồng, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và sự đầu tư thỏa đáng của Nhà nước, những nguy cơ đất bị sa mạc hóa sẽ bị đẩy lùi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân vùng nông thôn.

-Hạn chế việc đốt rừng làm nương rẫy, chặt cây

-Cải tạo đất hoang mạc

-Giảm thiểu lượng rác thải tại hoang mạc

-Tại những vùng giao nhau giữa hoang mạc và đất trồng, tăng cường trồng cây xanh và bồi dưỡng cho đất