2 câu trả lời
Trong cuộc sống của chúng ta, tài và đức là hai nhân tố rất quan trọng cho mỗi người. Đó là nền tảng cho con người phát triển về mọi mặt, cụ thể là ở mặt vật chất và tinh thần. Có tài và có đức không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân con người mà còn cho cả những người xung quanh nữa. Vậy, tài đức là gì và quan trọng như thế nào đối với con người?
Tài là khả năng làm việc, ứng xử tốt của con người trong một hoặc nhiều lĩnh vực hay khía cạnh nào đó trong xã hội. Người có tài là người hoàn thành tốt một việc hoặc nhiều việc trong đời sống thường ngày. Không chỉ tốt mà công việc ấy còn tạo nên sự khác biệt, đẹp hay thậm chí là xuất sắc thì mới được gọi là có tài. Ví dụ như một người thợ mộc được cho là tài khi tạo ra được những chiếc tủ gỗ không chỉ chắc chắn mà còn chạm trổ được những hình phượng rồng mềm mại, tạo nên cái hồn cho thành phẩm. Một người được coi là có tài lãnh đạo khi biết cách sắp xếp công việc, biết điều khiển lực làm việc và cảm xúc của nhân viên để đạt được những thành quả tốt nhất. Những người biết nhiều, làm tốt được nhiều công việc thì người đó là người đa tài, tức là có nhiều khả năng để làm tốt nhiều việc trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Một ví dụ tiêu biểu nhất mà ai cũng biết đến về người đa tài đó là chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta. Bác không chỉ là một nhà quân sự tài ba, một nhà lãnh đạo sáng suốt tìm được ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc mà còn là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc cống hiến nhiều tác phẩm cho nền văn học nước nhà. Bác thông thạo nhiều thứ tiếng khác nhau, làm nhiều nghề để sống cho dù không có nhiều thời gian để học, không được giảng dạy hay thông qua trường lớp. Bình thường hơn là những người trong cuộc sống cũng có nhiều tài, họ có thể vừa sáng tác nhạc vừa có thể làm thơ, viết văn, sửa chữa điện tử…Tóm lại có tài chính là có thể làm tốt được công việc theo chiều hướng tốt đẹp.
Đức là viết tắc của đạo đức của một con người. Đó là những quy tắc, chuẩn mực về nhân cách con người trong xã hội sao cho phù hợp với những đạo lí sống, luật nhân quả giữa người với người. Người có đạo đức là người luôn biết sống đúng, sống đẹp, sống tốt. Người có đức là người có tấm lòng thiện lương, nhân đạo, chính trực, thương người. Bác Hồ là một ví dụ, Bác yêu thương nhân dân như người con ruột thịt, Bác chăm lo cho thế hệ mầm non và những anh chiến sĩ bộ đội, thương nước thương dân không chỉ đối với dân tộc ta mà còn cả những người sống khổ trên toàn thế giới. Bác sống giản dị với bản thân và luôn công tâm trong công việc. Bác Hồ chính là là tấm gương sáng cho tài và đức.
Hai khái niệm đức và tài có quan hệ mật thiết với nhau, có tài phải có đức. Trong một con người không thể thiếu một trong hai tài và đức được. Yếu tố để làm nên một con người có ích cho bản thân họ, gia đình, bạn bè và đất nước phải là một con người có cả tài và đức. Đó là một trong những nguyên tắc của người cán bộ Đảng từ xưa đến nay. Nếu có tài mà không có đức, con người ta sẽ dùng cái tài ấy để vụ lợi cho bản thân, không màng đến lợi ích của người khác và lợi ích chung, từ đó sẽ trở thành con người ích kỉ, độc ác. Người có đức mà không có tài sẽ không gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống do đó họ sẽ thiếu thốn về vật chất hay tinh thần.
Tài và đức được thể hiện rõ rệt ở người học sinh. Một học sinh có tài thì sẽ có thành tích tốt trong học tập, học giỏi, có phương pháp học tập tốt thì cũng cần có đức là phải ngoan ngoãn lễ phép, không gian lận trong thi cử, hành xử tốt với thầy cô bạn bè chứ không khinh thường và hỗn láo với ai.Đối với những người trưởng thành, tài và đức được thể hiện trong công việc mà họ làm. Một doanh nhân thành đạt có tài kinh doanh buôn bán, có cách phát triển công ty thu lợi nhuận thì cũng phải có đức đó là kinh doanh hàng chất lượng tốt, giá cả phải chăng, không nhập lậu, không thấy lợi nhuận trước mắt mà quên đi sự an toàn của những người tiêu thụ. Tài và đức rất quan trọng đối với người cán bộ. Đối với cán bộ thì phải coi cái đức làm gốc cho tài bởi không có đức mà có tài thì chỉ hại cho nhân dân nhà nước. Đạt được điều ấy là rất khó trong xã hội ngày nay thế nhưng mỗi người nên có một cái nhìn sáng suốt lựa chọn con đường đi của mình sao cho phù hợp với tài và đức của bản thân.
Tóm lại, tài và đức luôn gắn liền với nhau tạo thành một điều kiện thiết yếu cho mỗi người. Làm sao cho đủ tài đủ đức để ứng xử giải quyết mọi trường hợp trong đời sống hàng ngày một cách tốt nhất là mục tiêu chung của tất cả mọi người hướng đến. Chúng ta ngay từ bây giờ hãy cố gắng học tập rèn luyện để trở thành người đủ tài đủ đức, mang lợi ích cho bản thân, gia đình, xã hội và sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn.
“Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” câu nói bất hủ của Hồ Chủ tịch luôn là bài học quý báu trong lòng người Việt Nam. Ngày nay mối quan hệ giữa đức và tài rất quan trọng, để trở thành một công dân có ích cho xã hội, con người cần rèn luyện cho mình cả hai giá trị cơ bản đó.
Chúng ta có thể hiểu “Tài” chính là tài năng, là kiến thức, là hiểu biết, là kĩ năng, kĩ xảo, là kinh nghiệm sống để con người có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất; đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống phức tạp. Còn “Đức” là đạo đức, là tư cách tác phong, là lòng nhiệt tình, là những khát vọng“chân, thiện, mĩ”. Người có “đức” biết tôn trọng và bảo vệ chân lí, dám đấu tranh với sai lầm, sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi của tập thể.
Tài và đức là những phẩm chất khác nhau nhưng luôn luôn gắn bó mật thiết không thể tách rời. Có tài mà không có đức là người không trọn vẹn, bởi tài năng đó không phục vụ cái chung mà chỉ mưu cầu lợi ích cho một cá nhân thì cũng trở thành vô giá trị. Con người ta không thể sống một mình, không thể quên đi gia đình, bạn bè, xã hội. Tài năng có thể giúp chúng ta được nhiều người nể phục nhưng thiếu đạo đức thì bản thân sẽ trở nên kiêu căng độc ác. Người không có đức là người không quan tâm đến quyền lợi của người khác.
Nếu có tài, họ cũng chỉ vun vén để có lợi cho riêng họ. Người có tài mà phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lợi ích của tập thể thì chẳng những vô dụng mà còn có tội. Người càng có tài mà kém đạo đức thì tác hại mang đến cho gia đình, xã hội càng lớn. Nhưng nếu chỉ có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có đức, có khát vọng hành động vì lợi ích của mọi người nhưng không có kiến thức, năng lực kém thì những ý định tốt cũng khó trở thành hiện thực. Tài năng giúp con người lao động có hiệu quả. Thiếu tài năng, người ta trở nên ít có tác dụng trong đời sống. Rõ ràng là giá trị con người phải bao gồm cả tài và đức. Đức và tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau thì con người mới trở nên toàn diện, mới đạt hiệu quả lao động cao và mới có ích cho bản thân và mọi người.
Đối với chúng ta đức là nền tảng giúp tài bay cao vững chắc. Không có đức tài cũng sẽ giống như một quả bóng càng bay cao lại càng dễ vỡ, càng nguy hiểm. Bên cạnh đó có tài tấm gương sáng của đức lại càng thêm tỏa sáng. Nhưng trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người không thể có cả tài và đức. Điển hình là trong gia đình vẫn còn có những người con bất hiếu, nghĩ mình có tài năng mà không coi trọng cha mẹ hay dùng tài năng của mình để làm những việc trái đạo lý, trái lương tâm. Những con người đó tài năng có lớn tới đâu thì cũng sẽ không làm được gì cũng sẽ bị người đời chê trách và phê phán.
Không ai phủ nhận một người lãnh đạo là phải có tài, chính vì họ có tài họ mới được làm lãnh đạo. Nhưng mà, để thật sự trở thành một người lãnh đạo tốt, là một tấm gương tốt thì bản thân phải biết cách lắng nghe, tìm hiểu nguyện vọng của mọi người để khuyến khích, tán dương khi người khác có điểm nổi bật thành công, hoặc để an ủi, giúp đỡ khi người gặp khó khăn, hoạn nạn và điều này thì chỉ có đức độ của người lãnh đạo mới có thể làm được. Có lẽ trong ý kiến của Hồ Chủ tịch, rõ ràng vị trí của “đức” được coi là hàng đầu, là yếu tố quyết định. Chính vì thế, thiếu “đức” con người trở thành “vô dụng”, thiếu “tài”, người ta “làm việc gì cũng khó”.
Là học sinh những chủ nhân tương lai của đất nước chúng ta cần cố gắng học tập tu dưỡng đạo đức rèn luyện bản thân hoàn thiện trở thành người có đức có tài bởi đó là người cao quý, là hiền tài, là vốn quý của quốc gia là tiêu chuẩn của con người mới như Bác Hồ hằng mơ ước.
Qua nhiều thế hệ câu nói của Bác luôn đúng với mỗi người trong cuộc sống. Nó giúp ta hiểu thêm về cách sống, hiểu về mối quan hệ song hành giữa tài và đức. Lời dạy giản dị mà sâu sắc của Bác Hồ sẽ luôn ghi sâu trong lòng mỗi người.