1.Đặc điểm cơ bản về dân cư-dân tộc của vùng núi Tây Bắc là : dân số ít,phân bố thưa thớt,có nhiều dân tộc ít người.Đặc điểm trên có ảnh hường như thế nào đến sự phát triển kinh tế -xã hội của vùng? 2.Dựa vào atlat địa lí Việt Nam và kiến thức đã học : a)Kể tên các khu kinh tế ven biển của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. b)Cho biết vai trò của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đối với sự phát triển kinh tế ở Bắc Trung Bộ ,Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
1 câu trả lời
Theo Niên giám Thống kê Thanh Hóa năm 2014, tỉnh Thanh Hoá có 3.496.600 người, là tỉnh có số dân đông thứ ba trong cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội) và là tỉnh đông dân nhất so với sáu tỉnh Bắc Trung Bộ. Thanh Hoá là tỉnh có nhiều đơn vị hành chính nhất cả nước với 27 đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương, có 579 xã, 30 phường, 28 thị trấn và 6.031 thôn, xóm, bản làng; trong đó có 184 xã miền núi và 12 thị trấn miền núi (số liệu năm 2014). Tỉnh có 6 huyện, thị xã thuộc vùng ven biển, 11 huyện thuộc vùng núi và 10 huyện, thị xã, thành phố thuộc vùng đồng bằng.
Đặc điểm hành chính thể hiện tiềm năng to lớn về mặt xã hội của tỉnh, song cũng có không ít khó khăn, phức tạp cho việc quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Dân cư phân bố không đồng đều theo các đơn vị hành chính và phân bố không đều giữa đồng bằng và miền đồi núi. Dân cư chủ yếu tập trung đông ở thành phố, thị xã, thị trấn ven biển, ven sông và thưa thớt ở các vùng núi. Theo Niên giám Thống kê năm 2014 Thanh Hóa, tỉnh ta có mật độ dân số là 314 người/km2. Riêng thành phố Thanh Hoá có mật độ là 2.384 người/km2, các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Quảng Xương có mật độ trên 1.100 người/km2. Trong khi đó tại các huyện miền núi như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hoá có mật độ thấp, chỉ từ 39 người đến 46 người/km2. Những nguyên nhân chính của sự phân bố dân cư chênh lệch trên đây phải kể đến sự phân bố không đều của tài nguyên thiên nhiên, hệ thống các cơ sở kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và cả lịch sử cư trú. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2014 ước tính 0,53%. Thanh Hóa là tỉnh có dân số trẻ, số người từ 15 tuổi trở lên chiếm 2.209,5 người (năm 2014). So với mức trung bình của vùng Bắc Trung Bộ và của toàn quốc thì tỷ lệ số dân là nữ giới chiếm cao hơn nam giới (51,05% nữ và 49,85% nam). Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cũng cao hơn so với vùng Bắc Trung Bộ.
Là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc, trong đó người Kinh chiếm tỷ lệ lớn nhất (84,4%), người Mường (8,7%), người Thái (6%). Các dân tộc thiểu số khác như Mông, Dao, Tày, Sán Dìu, Hoa, Cao Lan, Thổ... chiếm tỷ lệ không đáng kể (gần 1%). Tính đa dạng về thành phần dân tộc là lợi thế cho sự phát triển văn hóa, du lịch song cũng là những khó khăn cho sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền trong tỉnh.
Do dân số tăng nhanh trong các thập kỷ trước, nên hàng năm Thanh Hoá vẫn có thêm gần ba vạn người bước vào tuổi lao động. Đây là một vấn đề lớn của xã hội và để giải quyết việc làm cho người lao động, cần phải có sự chuyển dịch nhanh và đa dạng hoá cơ cấu nền kinh tế. Năm 2010, nguồn lao động của Thanh Hoá có 2.116,4 người; năm 2011 là 2.152,0 người, trong đó người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động chiếm 97,7% và người ngoài độ tuổi lao động thực tế có tham gia lao động chiếm 2,3%. Đến năm 2014, số người trong độ tuổi lao động của Thanh Hóa là 2.209,5 người. Việc xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, đặc biệt là khu vực kinh kế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm thị phần ngày càng cao tại Thanh Hóa đã phần nào giảm được lực lượng lao động làm việc trong khu vực kinh tế nhà nước và lực lượng lao động nông nghiệp khu vực nông thôn, tăng nguồn lao động làm việc trong các khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh diễn ra với tốc độ chậm; tỷ lệ lao động trong khu vực kinh tế truyền thống (nông, lâm, ngư nghiệp) vẫn rất lớn (71,83%). Trong nông nghiệp phần lớn lao động tập trung trong ngành trồng trọt. Số lao động tham gia ngành chăn nuôi và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp rất ít. Cơ cấu lao động này đang cản trở quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá lãnh thổ. So sánh với cả nước và trên thế giới thì tỷ lệ lao động của khu vực nông, lâm, ngư đang giảm nhanh và chiếm tỷ lệ thấp, tỷ lệ lao động làm trong khu vực công nghiệp, xây dựng giảm và tỷ lệ lao động làm trong khu vực dịch vụ tăng lên...
Cũng theo Niên giám Thống kê Thanh Hóa năm 2014; tính bình quân, số người đang làm việc trong các ngành kinh tế ở Thanh Hoá luôn chiếm trên 80%, khá cao so với cả nước. Tỷ lệ này đang tăng lên một cách chậm chạp (từ 2.074,1 người năm 2010 lên đến 2.161,6 người năm 2014), song vẫn phản ánh tốc độ đột phá trong kinh tế còn chậm. Điều đó cũng bị ảnh hưởng một phần bởi chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh ta còn hạn chê; nếu năm 2010 toàn tỉnh chỉ có 16,2% nguồn lực lao động đã qua đào tạo thì đến năm 2014, chỉ số này chỉ tăng lên là 18,9%. Trong khi đó, số người trong độ tuổi lao động không có việc làm tăng từ 2,00% năm 2010 lên 2,14% năm 2012 trong tổng số nguồn lực lao động Thanh Hóa. Đến năm 2014, nhờ một số thay đổi lớn trong cải cách thủ tục hành chính đã đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, nhiều nhà máy, xí nghiệp được đầu tư xây dựng đã giải quyết được một số lượng lớn nguồn lao động dư thừa của địa phương; nhờ đó tỷ lệ người lao động thất nghiệp của Thanh Hóa lại giảm xuống còn 2,00% trong tổng số lực lượng lao động. Số người ngoài độ tuổi lao động thực tế có tham gia lao động cũng giảm xuống.
Tuy nhiên, tình trạng đó vẫn là một thách thức lớn đặt ra với việc giải quyết việc làm cho người lao động, song cũng thể hiện tiềm năng sức lao động của tỉnh là còn khá lớn. Nếu biết huy động được mọi khả năng về nguồn lao động một cách phù hợp thì sẽ tạo nên những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Về mức thu nhập, năm 1995, GDP bình quân đầu người chỉ 212 USD, năm 2000 chỉ 293 USD và năm 2001 là 319 USD, đến năm 2005 đạt 430 USD (so với bình quân cả nước là 543 USD), tốc độ tăng đạt 8,5% (cả nước là 7,6%). Sự phân bố giàu nghèo cũng rất không đồng đều giữa các vùng, trong đó, các huyện vùng ven biển như Nga Sơn, Hậu Lộc và đặc biệt là các huyện vùng núi phía Tây thì tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm rất cao (Ngọc Lặc: 21,8%, Mường Lát: 25,8%), đây là vấn đề bức xúc và khó khăn cần giải quyết trong kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh. Tính đến năm 2005, tổng sản phẩm theo giá so sánh trên địa bàn của tỉnh đạt 11.910 tỷ đồng, tăng bình quân năm thời kỳ 2001 - 2005 là 9,1%. Cơ cấu GDP của Thanh Hóa là: nông lâm nghiệp, thủy sản 31,6%, công nghiệp và xây dựng 35,1%, các ngành dịch vụ 33,3% (tỷ lệ này so với cả nước là: 21,8%, 40,1% và 38,1%). Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người năm 2005 mới đạt 28,6 USD (cả nước là 323 USD). Tỷ lệ này cho thấy tốc độ công nghiệp hóa và các ngành dịch vụ, xuất khẩu còn phát triển ở mức thấp.
Sau nhiều đổi mới, cải cách trong thủ tục hành chính cũng như kêu gọi đầu tư; đến năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GDP) năm 2014 theo giá so sánh năm 1994 tăng 11,6% so với năm 2013 (năm 2013 tăng 11,2%); trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,8%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 13,5%; khu vực dịch vụ tăng 12,0%. Trong 11,6% tăng trưởng của năm 2014; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,8%; ngành công nghiệp, xây dựng 6,8%; các ngành dịch vụ 4,0%. Cơ cấu GDP chuyển dịch theo hướng tăng dần khu vực II (công nghiệp, xây dựng) từ 40,0% lên 40,9%, khu vực III (các ngành dịch vụ) giữ như năm 2013 là 40,3%; giảm khu vực I (nông, lâm nghiệp, thuỷ sản) từ 19,7% xuống còn 18,8%. Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành bình quân đầu người năm 2014 ước đạt 28,9 triệu đồng, nếu tính theo USD đạt 1.365 USD. Nhờ những kết quả tích cực đó, tỷ lệ hộ nghèo trong những năm qua của Thanh Hóa đã giảm xuống một cách rõ rệt; nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 24,86% thì đến năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn 9,90%.
Về chất lượng môi trường sống, đến nay đã được cải thiện nhiều ở quy mô rộng trong toàn tỉnh, song còn ở mức trung bình. Số liệu thống kê tới năm 2014, cho thấy số lượng bác sĩ bình quân cho 1 vạn dân là 7,30 người; số giường bệnh tính bình quân trên 1 vạn dân là 21,15 giường; tỷ lệ trạm y tế cấp xã, phường, thị trấn có bác sỹ chiếm 71,43%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng năm 2005 là 32,3%, đến 2014 đã giảm xuống còn 18,20%. Bước đầu Thanh Hóa đã thực hiện được chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tỷ lệ sử dụng thuê bao điện thoại, tăng một cách chóng mặt; nếu như năm 2005, tỷ lệ máy điện thoại cho 1.000 dân là 42 (bình quân cả nước là 121) thì đến năm 2010 phải tính bằng đơn vị số người sử dụng thuê bao di động là 1.905,3 người và đến năm 2014 thì tỷ lệ này đã lên đến 2.750,4 người. Tỷ lệ người dân được dùng điện sinh hoạt là 99,2% (2010) đến nay đã đạt 100%. Các cơ sở phúc lợi xã hội như nhà văn hoá, trạm y tế đã được đầu tư, nâng cấp. 56,5% phòng học đã được kiên cố hóa với tốc độ phát triển nhanh, mỗi năm tăng thêm 6%. Truyền hình đã phủ kín 100% các làng bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh, nâng tổng số giờ phát sóng lên đến 4.298 giờ trong năm 2014, với đa dạng bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng dân tộc và tiếng nước ngoài. Tỷ lệ các phường, xã có nhà văn hoá, có bưu điện đạt 100%; khoảng 87% số hộ gia đình có đời sống vật chất tinh thần nâng lên nhiều so với trước. Toàn tỉnh đã có 76,0% (2014) hộ dân cư từ cấp thôn, bản, xã, phường trở lên đạt chuẩn văn hóa. Các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động thể thao, dân số kế hoạch hóa gia đình đã luôn được chú trọng, góp phần làm nâng cao chất lượng sống của người dân.
Để đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động, Thanh Hóa đã có sự chú trọng trong việc đào tạo nguồn lao động. Đến năm 2015, hệ thống đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh đã phát triển khá mạnh mẽ, bao gồm 2 trường Đại học, 1 Phân viện Đại học, 1 cơ sở Đại học của trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, 1 trường Dự bị Đại học Dân tộc, 1 trường Chính trị, 11 trường Cao đẳng (gồm: Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic, Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, Cao đẳng Thể dục thể thao Thanh Hóa, Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Miền Trung, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Công thương, Cao đẳng Nông Lâm Thanh Hóa, Cao đẳng nghề Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa, Cao đẳng nghề Lilama 1, Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, Cao đẳng nghề Lam Kinh, Cao đẳng nghề An Nhất Vinh) và nhiều hệ thống trường Trung cấp hệ trung ương, địa phương, trường dạy nghề; các trung tâm dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm khuyến nông - khuyến ngư; các trung tâm giáo dục thường xuyên - dạy nghề cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ sở dạy nghề khác và gần 1000 trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn. Kết quả đào tạo đã từng bước tiếp cận với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tiến bộ khoa học kỹ thuật, dần nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực.
2. Các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa.
2.1. Dân tộc Thái.
- Nguồn gốc và sự hình thành dân cư:
Thế kỷ thứ XI, sách "Đại Việt sử ký toàn thư" mới chép về một cộng đồng Thái tộc. Đó là một cộng đồng người gọi là Ngưu Hống, họ có chữ viết như chữ của người Ai Lao, một cư dân thuộc ngôn ngữ Tày - Thái. Bộ tộc này được xem như là tổ tiên của người Thái hiện nay. Đời vua Lê Thái Tổ (1418 - 1433) ở miền Tây Bắc Việt Nam đã có 15 - 16 đời tù trưởng (tính đến đời tù trưởng Đèo Cát Hãn) Thái trị vì - họ từ miền Bắc Hà di cư xuống đây tập trung và đông nhất là mường Then (vùng đất Điện Biên Phủ ngày nay). Xưa kia vùng đất mường Then có lẽ rộng hơn mường Tè (Lai Châu) đến sông Mã (Sơn La) và một phần tỉnh Phông Sa Lỳ nước Lào nữa. Mường Then có nghĩa là mường Trời, hầu hết dân tộc Thái ở Tây Bắc Việt Nam, ở Lào và Thái Lan đều nhận mường Then là đất tổ của mình.
Dựa vào kho tàng truyện kể bản Mường (Quắm Tố Mương - viết bằng chữ Thái cổ trên giấy gió, giấy bản) thì tộc người Thái ở Thanh Hóa có mối quan hệ gần gũi và chặt chẽ với người Thái ở Tây Bắc. Theo nhóm tác giả (do Đặng Nghiêm Vạn chủ biên) tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái "suốt trong thiên niên kỷ thứ II, các chúa đất nước Thái thuộc dòng họ Lò Khăm (tiếng Thái Đen) phân nhau ra làm các chủ mường lớn... cũng từ đó, người Thái Đen tản dần sang Lào, vào miền núi Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh..."
Như vậy có thể khẳng định rằng, người Thái từ miền Tây theo hướng Tây Bắc - Đông Nam di cư vào Thanh Hóa, lúc đầu tập trung chủ yếu ở huyện Quan Hóa rồi dần dần tiến xuống theo dọc các dòng sông cho đến khi tiếp giáp với cư dân Mường thì dừng lại. Buổi đầu mới di cư vào "miền đất mới" ở tỉnh Thanh họ có riêng rẽ thành từng mường, mỗi mường do một người đứng đầu dòng họ cai quản, gọi là tạo mường. Trong mường thường có một vài dòng họ sinh sống - mối quan hệ kinh tế, xã hội mang tính chất thân tộc. Bởi vậy dòng họ thường được gắn liền với việc cai quản bản mường. (ví dụ như họ Hà ở mường Chanh, mường Pùng; họ Phạm ở mường Ánh, mường Ca Da...). Mối quan hệ hàng ngày mang tính chất thân tộc cộng với điều kiện kinh tế nương rẫy dần dần hình thành các mường có tính "cát cứ" khu biệt, mỗi mường như một "vương quốc" riêng theo luật lệ Thái quy định. Mỗi mường thường dựa vào sông suối hay núi cao có thung lũng để dựng bản, dựng mường. Yếu tố quyết định đến sự hình thành bản mường người Thái là "con nước" (sông suối). Tục ngữ Thái có câu "Táy kin nậm" nghĩa là Thái ăn theo nước. Ngày nay trong kho tàng truyện kể dân gian Thái rất phong phú các bài ca ngợi những người đi mở đất, xây dựng bản mường được lưu giữ lại trong cuốn "Quắm tố mương" (chuyện kể bản mường). Tục ngữ Thái có câu "o lóc có noong, xoong hương có bản" (một vùng nước nhỏ cũng là ao, hai nhà cũng là bản). Như vậy bản là đơn vị tổ chức của một cộng đồng, một thực thể xã hội tồn tại chứa đựng nhiều mối quan hệ của con người với tự nhiên và xã hội. Do sự hình thành cư dân Thái gắn liền là hạt nhân cấu thành bản. Bản là một tổ hợp của nhiều gia đình nhỏ (có gia đình có nhiều thế hệ, ông, cha, con, cháu cùng chung sống trong một nóc nhà). Trong bản các nóc nhà được bố trí theo kiểu "quần cư mặt tập". Nếu nhìn toàn cảnh ta thấy đầu hồi nhà nọ sát với hồi nhà kia. Phải chăng đây là tàn dư của buổi đầu dựng bản.
Trong lịch sử hình thành bản Thái thường gắn liền sự tác động của con người với thiên nhiên và sự ra đời của tổ chức hình thái xã hội. Vì vậy, thiên nhiên và xã hội là đối tượng đặt tên cho đơn vị cư trú (bản). Đặt tên bản theo ngoại cảnh là hiện tượng phổ biến (ví dụ như núi Lát có tên là bản Lát, suối Sim có tên bản Sim) vì thế mà người ta dễ hình dung ra địa bàn cư trú của họ có đặc điểm gì là nổi bật. Ngoài hiện tượng đặt tên bản theo tự nhiên, người ta còn đặt tên bản theo ruộng và công trình thủy lợi (Na Tao - na là ruộng) cũng có nơi đặt tên bản theo hiện tượng tâm lý như bản Mòn - nghĩa là mơ ước. Từ đó ta có thể phân loại bản theo hai cách chủ yếu nhất, một là dựa vào sự tác động của con người đối với tự nhiên; hai là phân theo thành phần đẳng cấp xã hội, nhưng càng về sau thì những bản phân chia theo thành phần đẳng cấp chiếm đa số trông xã hội Thái xưa.
Như vậy vì quyền lợi chung mà các bản đã có nhu cầu hình thành một số tổ chức xã hội liên kết. Chính nhu cầu này đã được thực hiện khi cơ cấu tổ chức của mường ra đời. Cũng chính từ quyền lợi chung mà phát sinh ra luật lệ quy định nghĩa vụ của mọi thành viên sống trong tổ chức mường - nghĩa vụ ấy gọi là việc mường. Với sự xuất hiện nghĩa vụ của các thành viên trong việc mường được coi như luật của mường, nên ngoài việc con người dồn sức lao động để tạo ra cơm áo còn có một công việc ở ngoài lĩnh vực sản xuất vật chất đó là công sức bỏ ra trong việc mường - một việc có nhiều ý nghĩa trừu tượng nhưng hàm chứa ý nghĩa của cộng đồng và cho cả cộng đồng. Việc mường rất dễ bị lợi dụng cho mưu cầu lợi ích riêng, nhất là khi kẻ nắm quyền việc mường tham lam tàn ác.
Từ chỗ do nhu cầu tất yếu phải liên kết để tồn tại và phát triển, các dòng họ cũng trên cơ sở ấy mà lớn mạnh, sự lớn mạnh phân hóa dần thành người giàu người nghèo, dựa trên cơ sở phân chia ruộng công. Giai cấp bóc lột cũng từ đó mà ra đời và nó tồn tại mãi cho đến khi hình thành cải cách dân chủ năm 1960 mới chấm dứt.
- Đặc điểm và sự phát triển:
Người Thái ở Thanh Hóa có hai nhánh gọi là Thái trắng (Táy Dọ) và Thái đen (Táy Đăm). Người Thái trắng chủ yếu sống tập trung ở phía Tây Nam huyện Thường Xuân và một số bản giáp với Triệu Sơn. Người Thái đen chiếm đa số, sống tập trung ở các huyện Quan Hóa Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh. Dân số: 209.806 người (1/4/1999), (cả nước có 1.200.000)
Đặc điểm của người Thái trắng và Thái đen về cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau ở trang phục phụ nữ, Thái trắng cạp váy ngắn, phần váy thêu hình con rồng. Còn về tiếng nói chỉ khác chút ít về cách phát âm, cùng chung ngữ hệ Tày - Thái. Người Thái có chữ viết riêng, ở nhà sàn; trước đây còn có nhiều thế hệ ở chung trong một nhà, nay thì đã phân chia thành các gia đình theo cặp vợ chồng.
Người Thái ở theo nước, bản làng trù phú đông vui có luật Mường, lệ bản quy định rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ cho mỗi thành viên trong cộng đồng. Ai vi phạm sẽ bị phạt bằng bạc trắng hoặc rượu, thịt, gạo, trâu, bò.
Trước cách mạng tháng tám năm 1945, vùng cư trú của người Thái có 35 mường, thuộc 6 dòng họ: Họ Hà: 12 mường; họ Phạm Bá: 13 mường; họ Lang: 9 mường; họ Đinh: 1 mường... Trong đó mường Chiêng Vạn, mường Khô, mường Khoòng, mường Ca Da là những mường lớn vì có người của mường là Tri châu.
2.2. Dân tộc Mường.
- Nguồn gốc và sự hình thành dân cư:
Người Mường ở Thanh Hóa phân chia ra Mường trong và Mường ngoài. Người Mường trong theo quan niệm của đồng bào là mường gốc. Người Mường ngoài từ Hòa Bình chuyển vào Thạch Thành và một phần của huyện Cẩm Thủy.
Người Mường trong coi trung tâm của mình là vùng đất Mường Ống của huyện Bá Thước. Ở đây có núi cao, sông Mã chảy qua và có nhiều hang động, có di chỉ khảo cổ Mái đá Điều. Đặc biệt vùng đất này được miêu tả kĩ trong cuốn sử thi Mường “Đẻ đất đẻ nước”. Người Mường ngoài, chủ yếu sống tập trung ở huyện Thạch Thành.
Dựa vào tài liệu sử, khảo cổ, nhân chủng, văn học dân gian... đã được công bố thì người Mường cùng chung một nguồn gốc với người Việt cổ.
Dân cư Mường sinh sống chủ yếu hiện nay là vùng đồi và núi thấp, có khả năng phát triển kinh tế đồi rừng. Địa bàn cư trú của người Mường ở Thanh Hoá tập trung ở các huyện:
Quan Hoá: 11.910 người
Bá Thước: 47.238 người
Lang Chánh: 13.169 người
Ngọc Lặc: 77.430 người
Thường Xuân: 3.062 người
Cẩm Thuỷ: 48.240 người
Thạch Thành: 57.735 người
Như Xuân: 18.780 người
Thọ Xuân: 6.991 người
Triệu Sơn: 4.267 người
Vĩnh Lộc: 743 người
Hà Trung: 945 người
Tổng cộng: 290.519 người (số liệu năm 1993). Đến năm 1999 tăng lên 322.879 người, trong khi cả nước có 914.600 người.
Như vậy, ở các huyện miền núi và các miền của Thanh Hoá đều có người Mường sinh sống. Dân tộc Mường có dân số nhiều nhất (sau đó là Thái) so với các dân tộc ở miền núi Thanh Hoá.
- Đặc điểm và sự phát triển:
Người Mường ở Thanh Hoá sống tập trung ở Ngọc Lặc, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thuỷ, Thạch Thành. Sau này có thiên di vào vùng núi thấp của Quan Hoá, Như Xuân, Thường Xuân và các huyện giáp ranh với miền núi.
Người Mường ở nhà sàn, quần tụ lại thành chòm bản ở chân đồi hoặc gần sông suối. Nguồn sống chủ yếu của đồng bào dựa vào ruộng, rẫy, bãi bồi ven sông suối. Nghề chính của họ là làm ruộng, rẫy. Nghề đan lát chủ yếu là tự túc tự cấp phục vụ cho sinh hoạt trong gia đình. Người Mường có một nền văn hoá lâu đời, dân ca, dân vũ phong phú đa dạng. Người Mường chưa có chữ viết; ngôn ngữ theo nhóm ngôn ngữ Việt Mường.
Trước Cách mạng Tháng Tám, cuộc sống của đồng bào Mường thuộc vào thổ ti lang đạo. Vùng Mường cư trú có 39 mường, thuộc 7 dòng họ cai trị:
Họ Hà 4 mường; họ Phạm 15 mường, họ Lê Xuân 4 mường; họ Trương Công 5 mường; họ Cao 2 mường. họ Quách 2 mường; họ Nguyễn Đình 7 mường.
Trong đó có 4 mường lớn là: mường Dược thuộc họ Nguyễn Đình; mường Lân Ru thuộc họ Quách; mường Chếch thuộc họ Lê Xuân; mường Rặc thuộc họ Phạm.
Về hình thức tổ chức xã hội, bộ máy cai trị và các cách thức chiếm đoạt bóc lột của chế độ thổ ti lang đạo người Mường cũng tương tự như ở người Thái, chủ yếu là dựa vào thẩm quyền và cường quyền để bóc lột.
2.3. Dân tộc H.Mông.
Ở miền núi Thanh Hoá, các dân tộc Thái và Mường chiếm đa số và giữ - vị trí quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Còn các dân tộc H.Mông, Dao, Khơ Mú vừa ít về số lượng, đang sống cảnh du canh, du cư, cho nên liên tục có những biến động lớn. Tuy vậy, mỗi dân tộc đều có sức mạnh riêng và đều tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Đồng thời, mỗi dân tộc lại mang sắc thái riêng làm nên sự phong phú, đa dạng của một tỉnh có nhiều dân tộc.
Dân tộc H.Mông ở Thanh Hoá trước 1992 chỉ có một số ít, ở một số chòm. Từ năm 1992, dân tộc H.Mông ở các tỉnh phía Bắc, từ Sơn La và Lào di cư đến, sống tập trung ở xã Pù Nhi, Trung Lý (Mường Lát) theo các cụ kể lại cách ngày nay 4 - 5 đời.
Trước đây đồng bào sống tập trung ở xã Pù Nhi có 14 chòm, một chòm Pù Dứa ở xã Quang Chiểu và một chòm Pù Nghiu ở xã Tam Chung. Có 2 dòng họ Thao và Hớ là 2 dòng họ lớn thay nhau và cùng nhau quản lí; còn các dòng họ Lâu, Sung là những dòng họ nhỏ. Sau Cách mạng Tháng Tám họ mới có điều kiện tham gia công tác xã hội.
Người H.Mông sống du canh du cư. Sau 26 năm vận động định canh định cư ở vùng này đã đem lại cho đồng bào nhiều biến đổi. Trước năm 1945, người H.Mông chỉ có 900 người sống trên đỉnh núi Pù Nhi, vùng Toọng Ma Pa Pứng. Đến năm 1994 dân số tăng lên 5.044 người trong đó có hơn 2.000 người di cư từ năm 1992 vào (từ Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Nghĩa Lộ). (dân số năm 1999: 13.863 người, trong đó di cư từ các nơi đến từ năm 1990 đến nay khoảng 8.000 người (cả nước 558.000).
Địa bàn cư trú của đồng bào H.Mông (cũ và mới) đều tập trung vào vùng núi cao, rừng nguyên sinh đầu nguồn sông suối. Cuộc sống dựa vào đốt rừng làm nương rẫy. Trong những năm vận động định canh định cư đồng bào có khai hoang làm ruộng, song lại bỏ vì thiếu nước.
Tuy ở núi cao, nhưng đồng bào có phong trào đi học tốt do công lao vận động của Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Xuân Trạc. Nhờ có giáo dục phát triển nên 48 cán bộ, giáo viên người H.Mông đã được đào tạo, trong đó có người tốt nghiệp đại học. Giáo dục ở Pù Nhi đã thành điển hình giáo dục vùng cao trong cả nước.
Đặc điểm: có tiếng nói, chữ viết riêng, có những phong tục tập quán đặc biệt để ràng buộc các thành viên trong cộng đồng. Tâm lí của người H.Mông là tư tưởng duy lí mà ta thường quen gọi là lí “mẹo”. Họ đã tin là bất biến, khó làm thay đổi được chính kiến của họ. Trong quan hệ xã hội thì vai trò dòng họ chi phối các mối quan hệ khác. Đôi khi “tộc quyền” chi phối cả “chính quyền”. Hiện nay, vùng đồng bào H.Mông cư trú gặp khó khăn nhất trong tỉnh. Đường giao thông từ huyện đến trung tâm xã, đến các làng còn là đường mòn dốc cao. Nếu như trước đây đồng bào chỉ ở các xã Pù Nhi, Quang Chiểu, thì đến năm 1992 do người H.Mông từ ngoài vào nên địa bàn lan toả ra 7 xã Sơn Thuỷ, Trung Thành, Trung Sơn, Trung Lý, Pù Nhi, Quang Chiểu, Tam Chung ở vùng cao biên giới.
2.4. Dân tộc Dao.
Đồng bào dân tộc Dao ở Thanh Hoá, theo các cụ già kể lại (và có một số dòng họ còn giữ được gia phả), là từ Tuyên Quang, Vĩnh Phú, Quảng Ninh chuyển vào khoảng 4 đến 5 đời.
Khi mới chuyển vào Thanh Hoá, đồng bào sống ở vùng núi cao của huyện Quan Hoá, Bá Thước, Lang Chánh. Từ 1968 có cuộc vận động định canh, định cư, vận động đồng bào xuống núi. Từ các đỉnh núi cao đồng bào tự nguyện sống thành từng xóm lẻ cho đến nay.
Ở vùng cao huyện Mường Lát có 2 nhóm: Chòm Suối Tút (xã Quang Chiểu) và chòm Pù Quăn (xã Pù Nhi), cả 2 chòm có 430 người. Nhóm này gọi là Dao Tiền.
Ở vùng núi thấp của huyện Ngọc Lặc có 3 chòm của 3 xã Phùng Minh, Ngọc Khê và Thạch Lập dân số 1.274 người. Ở huyện Cẩm Thuỷ có 6 chòm thuộc các xã Cẩm Châu, Cẩm Bình và Cẩm Liên, dân số 2.619 người. Nhóm này gọi là Dao Quần Chẹt. Tổng số dân tộc Dao 4.323 người (1994). Năm 1999 có 5.031 người (cả nước 470.000).
Hiện nay cả 11 chòm đều trong vùng vận động định canh, định cư. Đồng bào sống thành từng bản lẻ, xen ghép với đồng bào dân tộc Mường, H.Mông.
Tuy là cư dân sống du canh, du cư và nay là định cư, du canh, nhưng khả năng tiếp nhận và giao tiếp với xã hội bên ngoài của đồng bào rất nhạy bén, trình độ hiểu biết cao hơn so với các dân tộc xung quanh.
Đồng bào Dao dùng chữ Nho để ghi chép, khi đọc phát âm theo tiếng Dao. Ở các chòm đều có người biết chữ Nho, có nơi đã truyền dạy lại cho con cháu. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Mông Dao.
Trong quan hệ xã hội đáng chú ý là quan hệ dòng họ. Người Dao ở Thanh Hóa có họ Đại Triệu là họ lớn ngoài ra còn có họ Bàn, họ Phan, họ Phùng.
Hàng năm đồng bào có làm lễ cấp sắc cho những thành viên trong họ nhằm tăng thiết chế đồng tộc. Trong quan niệm của đồng bào Dao, người nào chưa đưọc cấp sắc thì được tôn trọng, đã cấp sắc rồi thì phải sống chết với đồng tộc.
Nhà cửa đồng bào làm theo kiểu nửa sàn, nửa đất. Đến nay, trừ 2 chòm ở vùng cao, đồng bào Dao ở vùng thấp làm nhà theo kiểu chồng giường bẩy kẻ, theo kiểu nhà người Kinh.
Nguồn sống của đồng bào dựa vào nương rẫy, thực hiện định canh định cư. Đồng bào đã đắp hồ đập xây dựng đồng ruộng, làm vườn nhà, vườn rừng. Các nhóm đều có lớp học cho các em nhỏ, đến nay đã có nhiều người có trình độ đại học.
Tuy sống xen ghép với dân tộc đông người, nhưng bản sắc dân tộc Dao không bị pha trộn. Họ vẫn giữ được tính độc đáo, riêng biệt. Hàng năm đồng bào vẫn tổ chức lễ hội truyền thống. Các bài hát, điệu múa vẫn được truyền lại cho con cháu.
2.5. Dân tộc Khơ Mú.
Bộ phận dân tộc Khơ Mú ở Thanh Hoá, từ xã Tranh Đấu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chuyển đến, cách đây khoảng 70 năm - 100 năm. Có 2 chòm, chòm Lách ở xã Mường Chanh và chòm Đoàn Kết ở xã Tén Tần huyện Mường Lát Hai chòm này sát đường biên người Việt - Lào. Dân số 2 chòm có 558 người. Năm 1999: 642 người (cả nước có 43.000 nguời).
Đây là dân tộc thiểu số vào loại đặc biệt khó khăn của tỉnh. Về tên gọi có 4 tên khác nhau. Đồng bào tự gọi mình là Khơ Mú, các dân tộc khác gọi là dân tộc Tình, Đoàn Kết. Dân tộc Khơ Mú Thanh Hoá kiêng không được gọi họ là dân tộc Xá (vì danh từ xá họ cho là từ miệt thị ).
Người Khơ Mú ở tỉnh Thanh Hoá có 5 dòng họ, mỗi dòng họ đều kiêng một “con” hay một “cây”.
Họ Lương kiêng con cọp.
Họ Lò kiêng chim “tăng lo”.
Họ Chinh kiêng cây “tu vạ cút”.
Họ Pít kiêng chim “rích”.
Họ Tơmong kiêng con “cầy cun”.
Mối quan hệ dòng họ rất nghiêm ngặt. Tộc trưởng có quyền quyết đoán mọi chuyện. Người Khơ Mú hầu như chỉ quan hệ với bên ngoài về kinh tế như trao đổi mua bán các mặt hàng gia dụng, thuốc men. Còn quan hệ tình cảm, văn hoá khép kín trong đồng tộc. Họ có tư tưởng tự ti, mặc cảm vì cho rằng mình quá lạc hậu và “xấu... Khó khăn nhất hiện nay là họ không có người “cúng” và trai gái thành niên khó khăn trong việc lấy vợ lấy chồng vì chỉ ở chòm bản đều là anh em họ hàng.
Hiện nay đường vào chòm bản đã mở rộng thông suốt, xe máy có thể qua sông vào chòm được. Từ năm 1993, nhờ thực hiện dự án đầu tư hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn, làng bản đã quy hoạch xây dựng mới, có đường sá, có nước sạch, có trạm thu hình chương trình truyền hình Việt Nam, có trường học cho trẻ em học sinh cấp I. Có chi bộ Đảng, dân tộc Khơ Mú không có chữ viết, tiếng nói theo nhóm ngôn ngữ Khơ Me.
2.6. Dân tộc Thổ.
Dân tộc Thổ tập trung ở huyện Như Xuân gồm các xã Yên Lễ, Yên Cát, Cát Tân, Cát Vân, Bình Lương, Xuân Bình thị trấn Bãi Trành, Thượng Ninh, Tân Bình, Hoá Quỳ, Xuân Quỳ, Dân số: 7.642 (năm 1994). Năm 1999: 9.464 người (cả nước có 51.000).
Người Thổ quê ở Thanh Hoá chỉ có một họ duy nhất là họ Lê. Người Thổ có nhiều nét gần với người Mường và người Kinh.
II. HỆ THỐNG KẾT CẤU HẠ TẦNG KỸ THUẬT:
1. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải:
Thanh Hóa có hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường sắt, đường bộ, đường không và đường thuỷ:
- Tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua địa bàn Thanh Hoá dài 92km với 9 nhà ga, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá và hành khách.
- Đường bộ có tổng chiều dài trên 8.000 km, bao gồm hệ thống quốc lộ quan trọng như: quốc lộ 1A, quốc lộ 10 chạy qua vùng đồng bằng và ven biển, đường chiến lược 15A, đường Hồ Chí Minh xuyên suốt vùng trung du và miền núi; Quốc lộ 45, 47 nối liền các huyện đồng bằng ven biển với vùng miền núi, trung du của tỉnh, quốc lộ 217 nối liền Thanh Hoá với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào.
- Thanh Hoá có hơn 1.600 km đường sông, trong đó có 487 km đã được khai thác cho các loại phương tiện có sức chở từ 20 đến 1.000 tấn. Cảng Lễ Môn cách trung tâm Thành phố Thanh Hoá 6km với năng lực thông qua 300.000 tấn/năm, các tàu trọng tải 600 tấn cập cảng an toàn. Cảng biển nước sâu Nghi Sơn có khả năng tiếp nhận tàu trên 5 vạn tấn, hiện nay đang được tập trung xây dựng thành đầu mối về kho vận và vận chuyển quốc tế.
- Đầu năm 2013, Cảng hàng không Thọ Xuân được đưa vào sử dụng dân sự, tính đến nay Cảng hàng không Thọ Xuân đã có các tuyến bay đi miền Nam và Tây Nguyên. Số lượt hành khách qua cảng năm 2013 là 90.000, năm 2014 là 160.000 (tăng gần 78%) và chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt con số 280.000 lượt, tăng hơn 156 % kế hoạch năm. Dự kiến, đến hết năm 2015, lượng hành khách qua cảng Thọ Xuân sẽ đạt 400.000 lượt. Hiện cảng hàng không Thọ Xuân đang phấn đấu trở thành dự bị cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
2. Hệ thống điện:
Mạng lưới cung cấp điện của Thanh Hoá ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt.
Hiện tại điện lưới quốc gia đã có 508 km đường dây điện cao thế; 3.908 km đường dây điện trung thế, 4.229 km đường dây điện hạ thế; 9 trạm biến áp 110/35/6-10 KV; 38 trạm trung gian; 2.410 trạm phân phối. Năm 2005, điện năng tiêu thụ trên 1,2 triệu Kwh. Đến nay, 27/27 huyện, thị, thành phố với 94% số xã phường và 91% số hộ được dùng điện lưới quốc gia.
Tiềm năng phát triển thuỷ điện tương đối phong phú và phân bố đều trên các sông với công suất gần 800 MW. Ngoài những nhà máy thuỷ điện lớn như Cửa Đặt, bản Uôn đang và sẽ đầu tư, Thanh Hóa có thể phát triển nhiều trạm thuỷ điện nhỏ có công suất từ 1-2 MW.
3. Hệ thống Bưu chính viễn thông:
Trong những năm qua, hệ thống bưu chính viễn thông của Thanh Hóa đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông tin liên lạc trong tỉnh, trong nước và quốc tế với các phương thức hiện đại như telex, fax, internet.
Năm 2015, 100% trung tâm xã các xã, phường, thị trấn có hạ tầng truyền dẫn cáp quang, có 4.210 trạm BTS (trong đó có 2.650 trạm 2G, 1.560 trạm 3G) đặt tại 2.232 vị trí trạm BTS. Thuê bao điện thoại hiện có 2.742.000 thuê bao, mật độ đạt gần 77,9 máy/100 dân; Có trên 690.000 thuê bao internet cố định hữu tuyến, vô tuyến đạt, mật độ 19,61 thuê bao/100 dân. Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính và chuyển phát; 634/635 điểm phục vụ bưu chính; 591/635 xã phường thị trấn có báo đọc trong ngày xuất bản. 100% các trường THPT, 98,7% các trường THCS và 30,44 % các trường tiểu học đã có phòng máy tính riêng làm phòng học thực hành dạy CNTT, mỗi phòng trung bình có 20 máy tính; 80% các bệnh viện đã ứng dụng CNTT phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ.
Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phát triển tiên tiến, hiện đại của cả nước. Trong đó, phát triển băng thông rộng đến hầu hết các thôn, bản; khoảng 35 đến 40% số hộ truy cập internet băng thông rộng (từ 10 đến 15% truy cập Internet băng thông rộng cố định); phủ sóng thông tin di động băng thông rộng đến 95% dân cư.
4. Hệ thống cấp nước:
Hệ thống cung cấp nước ngày càng được mở rộng, đáp ứng yêu cầu cho sinh hoạt và sản xuất, nhất là ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn và các khu công nghiệp. Nhà máy nước Mật Sơn và Hàm rồng với công suất 30.000m3/ngày đêm, đang chuẩn bị mở rộng lên 50.000 m3/ngày đêm đảm bảo cấp nước sạch đủ cho Thành phố Thanh Hoá, thị xã Sầm Sơn và các khu công nghiệp Lễ Môn, Đình Hương. Tỉnh đang triển khai xây dựng nhà máy cấp nước cho Khu kinh tế Nghi Sơn và các thị trấn cấp huyện. Đến nay, 80% dân số nông thôn và 90% dân số thành thị đã được dùng nước sạch. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đều được cung cấp đủ nước theo yêu cầu./.