Dựa vào các thông tin được cung cấp dưới đây để trả lời các câu hỏi:
Chớp cơ hội triều Nguyễn nhờ giải quyết “vụ Đuy-puy" đang gây rối ở Hà Nội, thực dân Pháp ở Sài Gòn phái Đại uý Gác-ni-ê đưa quân ra Bắc.
Ngày 5 - 11 - 1873, đội tàu chiến của Gác-ni-ê đến Hà Nội. Sau khi hội quân với Đuy-puy, quân Pháp liền giở trò khiêu khích.
Ngày 16 - 11 - 1873, sau khi có thêm viện binh, Gác-ni-ê liền tuyên bố mở cửa sông Hồng, áp dụng biểu thuế quan mới. Sáng 19 - 11, hắn gửi tối hậu thư cho Nguyễn Tri Phương yêu cầu giải tán quân đội, nộp khí giới... Không đợi trả lời, mờ sáng 20 - 11 - 1873, quân Pháp nổ súng chiếm thành Hà Nội. Những ngày sau đó, chúng đưa quân đi chiếm các tỉnh thành ở đồng bằng Bắc Kì: Hưng Yên (23 - 11), Phủ Lí (26 - 11), Hải Dương (3 - 12), Ninh Bình (5 - 12) và Nam Định (12 - 12).
Hành động xâm lược của quân Pháp khiến cho nhân dân ta vô cùng căm phẫn.
Khi địch nổ súng đánh thành Hà Nội, khoảng 100 binh sĩ triều đình dưới sự chỉ huy của một viên Chưởng cơ đã chiến đấu và hi sinh tới người cuối cùng tại cửa Ô Thanh Hà (sau được đổi tên thành Ô Quan Chưởng). Trong thành, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đã đốc thúc quân sĩ chiến đấu dũng cảm. Khi bị trọng thương, bị giặc bắt, ông đã khước từ sự chữa chạy của Pháp, nhịn ăn cho đến chết. Con trai ông là Nguyễn Lâm cũng hi sinh trong chiến đấu.
Thành Hà Nội bị giặc chiếm, quân triều đình tan rã nhanh chóng, nhưng nhân dân Hà Nội vẫn tiếp tục chiến đấu. Các sĩ phu, văn thân yêu nước đã lập Nghĩa hội, bí mật tổ chức chống Pháp. Tại các tỉnh Hưng Yên, Phủ Lí, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định..., quân Pháp cũng vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân dân ta.
Trận đánh gây được tiếng vang lớn nhất lúc bấy giờ là trận phục kích của quân ta tại Cầu Giấy ngày 21 - 12 - 1873. Chiến thắng Cầu Giấy lần thứ nhất khiến cho nhân dân ta vô cùng phấn khởi; ngược lại, làm cho thực dân Pháp hoang mang, lo sợ và tìm cách thương lượng.
Triều đình Huế lại kí kết Hiệp ước năm 1874 (Hiệp ước Giáp Tuất), theo đó quân Pháp rút khỏi Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Kì, nhưng vẫn có điều kiện tiếp tục xây dựng cơ sở để thực hiện các bước xâm lược về sau.
Hiệp ước 1874 gồm 22 điều khoản. Với Hiệp ước này, triều đình nhà Nguyễn chính thức thừa nhận sáu tỉnh Nam Kỳ là đất thuộc Pháp, công nhận quyền đi lại, buôn bán, kiểm soát và điều tra tình hình ở Việt Nam của chúng...
Hiệp ước 1874 gây bất bình lớn trong nhân dân và sĩ phu yêu nước. Phong trào đấu tranh phản đối Hiệp ước dâng cao trong cả nước, đáng chú ý nhất là cuộc nổi dây ở Nghệ An, Hà Tĩnh do Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Huy Điển lãnh đạo.
(Nguồn: SGK Lịch sử 11, trang 117 – 119).
Thực dân Pháp lấy cớ gì để đánh chiếm Bắc Kì lần thứ nhất năm 1873?
Trả lời bởi giáo viên
Chớp cơ hội triều Nguyễn nhờ giải quyết “vụ Đuy puy” đang gây rối ở Hà Nội, thực dân Pháp ở Sài Gòn phái Đại úy Gác-ni-ê đưa quân ra Bắc.
Hướng dẫn giải:
Dựa vào thông tin được cung cấp để trả lời.