Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
KH&CN thúc đẩy chăn nuôi bò thịt tại một số tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc
(1) Những năm gần đây, chương trình quốc gia về cải tạo đàn bò nội bằng các giống bò Zebu như: Brahman, Sahiwal, Droutmaster... dần được quan tâm ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng và duyên hải miền Trung. Trên cả nước, số lượng bò lai Zebu tăng từ 25 lên 50-75%, trong đó nhiều tỉnh/thành phố như Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An đạt 70-80%. Việc Zebu hóa đã giúp nâng tầm vóc đàn bò lên 25-35%, tỷ lệ thịt xẻ cũng tăng 17- 22% so với bò địa phương. Song chương trình chủ yếu triển khai ở những vùng có điều kiện thuận lợi như đồng bằng, các vùng ven đô. Ở các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, số lượng tổng đàn thấp (lần lượt khoảng 105.200, 102.950, 21.220 con), việc chăn nuôi bò còn phân tán ở các hộ gia đình, chủ yếu là giống bò vàng địa phương (chiếm 80%) có khối lượng trưởng thành thấp, sinh trưởng chậm, khối lượng trung bình con đực là 220-250 kg và con cái từ 160-180 kg, tỷ lệ thịt xẻ chỉ khoảng 40-42% khối lượng sống. Từ năm 1995 trở lại đây, mặc dù các địa phương này đã đầu tư cho công tác cải tạo đàn bò theo hướng Zebu hoá nhưng do kinh phí còn hạn hẹp, đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ và sự hiểu biết của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa cao nên kết quả thu được còn hạn chế.
(2) Mặc dù 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang đều thuộc vùng trung du, miền núi, có điều kiện tự nhiên phù hợp cho chăn nuôi gia súc lớn, đặc biệt là trâu, bò, nhưng việc chăn nuôi bò vẫn theo tập quán lạc hậu, chăn nuôi quảng canh, quy mô đàn nhỏ lẻ, thường chỉ 1-2 con/hộ... nên chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc dự trữ thức ăn xanh, khô, thô cho bò vào mùa rét còn hạn chế, do đó cứ đến mùa đông là hàng trăm con trâu, bò ở các huyện vùng cao bị chết đói, rét, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế - xã hội.
(3) Nhằm thúc đẩy phát triển nghề chăn nuôi bò tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng về điều kiện tự nhiên, nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương, Bộ KH&CN đã phê duyệt triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nuôi bò thịt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại một số tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc”, thuộc “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” (Chương trình nông thôn miền núi). Dự án do Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc chủ trì, cơ quan chuyển giao công nghệ là Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì (Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Qua hơn 2 năm thực hiện, dự án đã chuyển giao nhiều tiến bộ KH&CN về chăn nuôi bò, giúp nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò của địa phương; đồng thời tuyên truyền, tập huấn làm thay đổi nhận thức của đồng bào từ chăn thả sang chăn nuôi công nghiệp theo hướng chủ động thức ăn thô, xanh thông qua trồng cỏ ở những vùng đất trồng trọt hiệu quả thấp hoặc chưa sử dụng. Kết quả đạt được của dự án mở ra tiềm năng lớn giúp đảm bảo vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần từng bước đưa người dân địa phương thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
(4) Nhiều điểm sáng về áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Dự án đã chuyển giao nhiều tiến bộ KH&CN giúp người chăn nuôi ở các địa phương dần thích nghi và hướng tới tiếp cận với mô hình phát triển đàn bò quy mô lớn hơn, tập trung hơn. Cụ thể:
(5) Dự án đã thực hiện lai tạo giữa giống bò đực Brahman với bò cái của địa phương thông qua 2 hình thức: sử dụng tinh đông lạnh của giống bò thuần Brahman đỏ chất lượng cao để thụ tinh nhân tạo cho bò cái địa phương ở một số khu vực có số lượng bò cái tương đối tập trung và địa hình thuận tiện để tạo “phong trào” cải tiến đàn bò thịt; sử dụng bò đực 3/4 máu Brahman đỏ phối giống trực tiếp với bò cái nền của mô hình. Nhờ đó, đã tạo được đàn bò có tỷ lệ máu ngoại cao làm nền phục vụ công tác cải tạo giống sau này, giúp cải thiện tầm vóc, tăng năng suất đàn bê sinh ra, bò trưởng thành có tầm vóc lớn hơn, tỷ lệ thịt xẻ tăng từ 15 đến 20% so với giống bò địa phương.
(6) Bên cạnh phương pháp lai tạo giống được chuyển giao, dự án đã hỗ trợ triển khai nhiều tiến bộ kỹ thuật như: chọn bò cái làm giống có tỷ lệ sinh sản, sinh trưởng tốt hơn; phát hiện bò động dục, xác định thời gian phối giống thích hợp trong kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho bò...; chăm sóc nuôi dưỡng bò cái qua các giai đoạn: sơ sinh, tơ lỡ, chửa đẻ, nuôi con; tập cho bê con ăn sớm để tách mẹ sớm, giúp bò mẹ sớm động dục trở lại sau khi đẻ; chăm sóc nuôi dưỡng và vỗ béo bê, bò đực theo từng giai đoạn đến lúc bán giết thịt; nuôi vỗ béo bò gầy, bò thải loại; phòng bệnh, vệ sinh thú y... giúp mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi. Trong đó, việc áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc ở giai đoạn nuôi nhốt vỗ béo, chuẩn bị giết thịt không những giúp tăng năng suất mà còn kiểm soát được mức độ an toàn của sản phẩm cung cấp tới người tiêu dùng, đây là kỹ thuật rất mới đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
(7) Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò trong suốt quá trình nuôi, nhất là vào mùa rét, dự án đã hỗ trợ trồng và thâm canh giống cỏ VA06 năng suất cao, chất lượng phù hợp với các huyện vùng dự án, nhờ đó tạo được nguồn thức ăn xanh thô chủ động, đồng thời hỗ trợ hiệu quả công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp. Đặc biệt, dự án còn áp dụng công nghệ ủ chua để chế biến thức ăn, giúp tận dụng các loại phế, phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô, thân, ngọn, lá sắn... tạo ra công thức thức ăn tinh từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Việc tạo được khẩu phần ăn có giá trị dinh dưỡng cao không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, mà còn góp phần bảo vệ môi trường do tận dụng một lượng lớn phế phụ phẩm sau thu hoạch và chế biến thải ra.
(8) Trong công tác phòng, chống bệnh tật cho bò, bên cạnh việc áp dụng các kỹ thuật về xây dựng chuồng trại tập trung, vệ sinh thú y, xử lý chất thải, giúp chống gió lùa vào mùa đông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khuôn viên hộ và làng, bản..., dự án còn chuyển giao cho cán bộ kỹ thuật địa phương và người chăn nuôi các biện pháp phòng, chữa bệnh cho bò thông qua việc sử dụng các loại vắcxin: tụ huyết trùng, lở mồm long móng...
(9) Đến nay, dự án đã đào tạo được 10 kỹ thuật viên, tập huấn cho hơn 300 lượt người dân trong vùng tiếp thu và làm chủ các quy trình kỹ thuật mới. Đồng thời, xây dựng thành công mô hình nuôi bò sinh sản với 240 bò cái nền địa phương và 4 bò đực 3/4 máu bò Brahman đỏ. Số bê sinh ra sau đợt phối giống lần 1 là 180, gồm 90 con đực và 90 con cái (hiện có 216 bò cái đang chửa sau đợt phối giống lần 2). Khối lượng sơ sinh của bê ≥ 22 kg (tăng 10-12% so với bê thường), khối lượng 3 tháng đạt 90-100 kg, khối lượng 6 tháng tuổi đạt 115-130 kg, dự kiến sau 24 tháng tuổi sẽ đạt 290-330 kg/con. Dự án còn xây dựng thành công mô hình trồng cỏ voi lai VA06 thâm canh năng suất cao, chất lượng tốt với diện tích 6 ha, đạt chỉ tiêu 350 tấn/ha/năm, dự kiến đến khi kết thúc sẽ tạo ra 6.300 tấn thức ăn thô xanh.
(10) Theo tính toán, sau khi dự án kết thúc, các mô hình tập trung và mô hình vệ tinh của dự án sẽ cho ra 366 con bê lai với trên 50% máu bò Brahman. Trong số bê lai này, những con cái sẽ tiếp tục được nuôi phục vụ nhân giống chất lượng cao cung cấp cho các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc; còn bê đực được nuôi và vỗ béo bán thịt ở 20 tháng tuổi với khối lượng bình quân 350 kg/con, tạo ra lượng thực phẩm chất lượng. Có thể nói, dự án không chỉ nâng cao trình độ dân trí, nhận thức về tầm quan trọng của KH&CN cho người dân vùng cao, mà còn giúp tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào vùng dân tộc và miền núi các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc.
(Nguồn: “KH&CN thúc đẩy chăn nuôi bò thịt tại một số tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc”, Tuấn Hải, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam, số 9, năm 2019)
Dự án nuôi bò ở trên đem lại ý nghĩa gì?
Trả lời bởi giáo viên
Có thể nói, dự án không chỉ nâng cao trình độ dân trí, nhận thức về tầm quan trọng của KH&CN cho người dân vùng cao, mà còn giúp tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào vùng dân tộc và miền núi các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc.
Hướng dẫn giải:
Đọc kĩ văn bản, chú ý đoạn cuối