Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Đột phá mới trong điều trị xuất huyết hậu sản
(1) Băng huyết được giới chuyên môn cho là hiện tượng khi lượng máu chảy từ đường sinh dục của sản phụ trong vòng 24 giờ sau sinh lớn hơn 500 ml hoặ c mất máu lớn hơn 1% trọng lượng cơ thể, hoặc một lượng máu mất bất kỳ nhưng ảnh hưởng đến huyết động học. Mức độ nặng của băng huyết không chỉ phụ thuộc vào lượng máu mất mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng của sản phụ trước khi bị băng huyết.
(2) “Mẹ tròn con vuông” là niềm mong mỏi và là hạnh phúc của mọi gia đình khi có sản phụ đi sinh. Nhưng quá trình sinh nở luôn là nỗi lo canh cánh của rất nhiều bà mẹ mang thai và gia đình họ. Mỗi ngày, trên thế giới có hàng nghìn bà mẹ tử vong do tai biến sản khoa và mỗi năm có hàng triệu phụ nữ không có cơ hội sống để hoàn thành thiên chức làm mẹ, đặc biệt là sản phụ ở những nơi có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội khó khăn, an sinh xã hội kém và thiếu thốn các điều kiện sống cơ bản. Cho đến nay, băng huyết vẫn được xem là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong 5 nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với sản phụ.
(3) Mặc dù những tiến bộ trong y học đã góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong do băng huyết, nhưng hai từ này luôn là nỗi ám ảnh không chỉ với những phụ nữ sinh thường và những người thân của họ mà còn cả với nhiều chuyên gia sản khoa. Theo WHO, hiện có khoảng 70.000 phụ nữ tử vong mỗi năm vì xuất huyết hậu sản, điều này cũng có nghĩa là tăng nguy cơ con của họ cũng chết trong vòng một tháng. Đối với Việt Nam, tỷ lệ băng huyết sau sinh chiếm 3-8% tổng số sinh.
(4) Với những nước đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia nghèo, thì tỷ lệ phụ nữ tử vong do băng huyết lại càng cao do nguyên nhân cơ bản là cuộc sống khó khăn, phụ nữ mang thai phải làm việc nặng nhọc, thậm chí lao động trong môi trường độc hại; chế độ nghỉ ngơi không đảm bảo; chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng... Cơ sở y tế nghèo nàn, không đảm bảo vệ sinh, thiếu thốn các trang thiết bị và thuốc điều trị khiến việc cấp cứu và điều trị những phụ nữ bị xuất huyết hậu sản trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Hiện nay, WHO khuyến cáo dùng oxytocin là thuốc lựa chọn đầu tiên để ngăn ngừa chảy máu quá mức sau khi sinh. Tuy nhiên, oxytocin phải được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 o C. Đây thực sự là một công việc khó khăn ở nhiều quốc gia nghèo. Bởi vậy mà rất nhiều sản phụ không có cơ hội được tiếp cận nguồn thuốc này. Hoặc nếu có được loại thuốc này trong tay thì hiệu lực của thuốc đã bị giảm đáng kể do tiếp xúc với nhiệt độ cao bên ngoài vì thiếu thốn trang thiết bị bảo quản cần thiết.
(5) Vừa qua, WHO đã nghiên cứu thành công một loại thuốc với công thức mới (có tên là carbetocin) có thể giúp ngăn ngừa băng huyết ở phụ nữ sau khi sinh. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England [3]. Thuốc carbetocin được bảo quản ở môi trường bình thường (30 o C, độ ẩm tương đối là 75%) với hạn sử dụng lên tới 3 năm. TS Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO nhận định: “Đây là một bước tiến vượt bậc của y học, giúp cứu sống hàng vạn bà mẹ và trẻ sơ sinh mỗi năm”.
(6) Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã tiến hành một cuộc thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (RCT) với quy mô lớn (29.645 phụ nữ sinh thường) đến từ 23 bệnh viện ở các quốc gia: Argentina, Ai Cập, Ấn Độ, Kenya, Nigeria, Singapore, Nam Phi, Thái Lan, Uganda và Vương quốc Anh. Mỗi phụ nữ được tiêm ngẫu nhiên một liều carbetocin hoặc oxytocin ngay sau khi sinh con. Nghiên cứu cho thấy, cả hai loại thuốc đều có hiệu quả như nhau trong việc ngăn ngừa băng huyết sau khi sinh.
(7) Để có được đánh giá so sánh chính xác phương pháp thử nghiệm không thấp kém hơn (non-inferiority) chứng minh phương pháp điều trị mới, cá c nhà khoa học đã đảm bảo các điều kiện bảo quản, đặc biệt là nhiệt độ của oxytocin, để mỗi loại thuốc đạt hiệu quả tối đa khi điều trị. Thử nghiệm được tiến hành với việc sử dụng carbetocin ổn định nhiệt trong môi trường thực tế, nơi oxytocin có thể bị thoái hóa do tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn. Kết quả thử nghiệm cho thấy, tác dụng và hiệu quả điều trị với carbetocin không thua kém oxytocin: tần suất mất máu ít nhất 500 ml hoặc sử dụng thêm thuốc co hồi tử cung là 14,5% ở nhóm carbetocin và 14,4% ở nhóm oxytocin; tần suất mất máu ít nhất 1.000 ml là 1,51% ở nhóm carbetocin và 1,45% ở nhóm oxytocin. Việc sử dụng các thuốc co hồi tử cung bổ sung, can thiệp để ngừng chảy máu và các tác dụng phụ không khác biệt đáng kể giữa hai nhóm. “Sự phát triển của một loại thuốc để ngăn ngừa xuất huyết hậu sản vẫn tiếp tục có hiệu quả trong điều kiện nóng và ẩm là tin rất tốt cho hàng triệu phụ nữ sinh con ở các nơi trên thế giới mà không được tiếp cận với các thiết bị bảo quản tốt”, TS Metin G ü lmezoglu - Viện Nghiên cứu Sức khỏe và Sinh sản của WHO cho biết.
(8) Với sự ra đời của thuốc mới carbetocin, tới đây, những phụ nữ ở các khu vực hẻo lánh và thiếu thốn sẽ không còn bị ám ảnh bởi thần chết mang tên “băng huyết” rình rập. WHO đang chuẩn bị bước tiếp theo là xem xét và phê duyệt theo quy định của các quốc gia để đưa carbetocin vào sử dụng trong điều trị.
(9) Điều thú vị hơn là mới đây, một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc Đại học Birmingham (Vương quốc Anh) cũng đã chỉ ra rằng, việc ra đời những loại thuốc mới sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả những tai biến nguy hiểm có thể xảy ra đối với các sản phụ. Công trình nghiên cứu của họ đã đưa ra một giải pháp mới, đó là kết hợp các loại thuốc với nhau để tăng hiệu quả điều trị. Chẳng hạn như ergometrine với oxytocin, misoprostol với oxytocin hay điều trị bằng carbetocin sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu chỉ sử dụng oxytocin như hiện nay. Phân tích dữ liệu từ 140 cuộc thử nghiệm lâm sàng khác nhau liên quan đến hơn 88.000 phụ nữ, các nhà khoa học đã có được cách so sánh chính xác đối với hiệu quả điều trị của tất cả các loại thuốc này.
(Nguồn: “Đột phá mới trong điều trị xuất huyết hậu sản”, Nguyễn Minh Đức, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam, số 12, năm 2018)
Tỷ lệ phụ nữ tử vong sau sinh cao ở nhóm nước nào?
Trả lời bởi giáo viên
Với những nước đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia nghèo, thì tỷ lệ phụ nữ tử vong do băng huyết lại càng cao do nguyên nhân cơ bản là cuộc sống khó khăn.
Hướng dẫn giải:
Đọc kĩ văn bản, chú ý đoạn (4)