2 câu trả lời
I. Khi phân tích một bài thơ, đoạn thơ, câu thơ trữ tình cần chú ý đến:
- Cuộc đời tác giả.
- Hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
- Thể thơ: lục bát, tự do, thơ 5 chữ,…
- Hình ảnh thơ: Ví dụ như hình ảnh người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp – Mĩ trong “Đồng chí”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính, hình ảnh người bà trong “Bếp lửa”.
- Chi tiết thơ
- Giọng điệu: gồm có giọng hào hùng, nhẹ nhàng, xót thương, bi lụy, triết lí… - Vần (nhịp) thơ.
- Ngôn ngữ thơ: gồm có ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ bác học, ngôn ngữ được sử dụng trong bài thơ (từ láy, câu đặc biệt, thành ngữ, tục ngữ, dấu ?, dấu !...
=> tất cả đều có dụng ý của tác giả).
- Bố cục: Đây là phần quan trọng nhất để các em tìm ý cho bài cảm nhận của mình. Có thể chia theo khổ, chia theo đoạn, câu…
Tất cả các đặc điểm trên ở tác phẩm nào cũng có nhưng mức độ đậm nhạt của các đặc điểm này trong mỗi tác phẩm là khác nhau. Thêm vào đó, các em cần chú ý dựa vào đề bài yêu cầu gì để lựa chọn các đặc điểm trên cho phù hợp theo sở trường và khả năng của mình.
II. Kiến thức cần có trước khi làm bài:
- Kiến thức về tác giả:
+ Tên, bút danh, năm sinh, năm mất, gia đình…
+ Xã hội mà tác giả sống và sáng tác…
+ Khuynh hướng sáng tác, chủ đề sáng tác.
+ Các tác phẩm tiêu biểu.
- Thuộc thơ (nếu đề bắt chép thuộc bài, đoạn, câu sau đó cảm nhận, phân tích…). - Nội dung chính của tác phẩm.
- Nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm.
- Một số tác giả, tác phẩm cùng chủ đề để so sánh đối chiếu (nếu có).
=> Tất cả các kiến thức này các em đã được trang bị ở trường thông qua tiết học dưới sự dẫn dắt của giáo viên. Lưu ý các em một điều lượng kiến thức này rất quan trọng, mỗi giáo viên sẽ hệ thống kiến thức bài học theo một cách riêng nhưng nhìn chung kiến thức là giống nhau ở mỗi tác phẩm.
III. Các bước phân tích một bài thơ, đoạn thơ, câu thơ:
1. Mở bài: Trong phần mở bài các em cần có các nội dung chủ yếu sau:
- Giới thiệu qua về tác giả.
- Giới thiệu nội dung chính của tác phẩm.
- Nội dung ý nghĩa của đoạn, câu thơ các em chuẩn bị phân tích (nếu đề cho ra đoạn, câu thơ) - Bắt vào phần đề bài yêu cầu.
Lưu ý: Phần mở bài cần tự nhiên, đủ nội dung và sáng tạo.
2. Thân bài: Đây là phần quan trọng nhất, khó nhất chính vì thế cũng chiếm nhiều điểm nhất và trong bài viết của các em cũng thể hiện lỗi “diễn xuôi” thơ nhiều hơn cả. Để khắc phục được tình trạng này trước khi làm bài các em nên lập dàn ý theo cách:
- Soi bài thơ, đoạn thơ, câu thơ của đề yêu cầu phân tích vào các đặc điểm đã nêu ở phần
I. để rút ra điều các em cần cảm nhận từ yêu cầu của đề bài.
- Đoạn đầu tiên của thân bài các em nên trình bày khái quát nội dung nghệ thuật của cả tác phẩm, đặc biệt là các đề chỉ yêu cầu phân tích đoạn, câu thơ.
- Đưa các nội dung chính của bài thơ, đoạn thơ thành các luận điểm lớn, nếu đề yêu cầu cảm nhận đoạn thơ, câu thơ, thì các em chia nhỏ các nội dung có trong đoạn, trong câu, biến chúng thành các luận điểm lớn đề đi sâu cảm nhận.
- Mỗi đoạn văn các em nên viết theo cách diễn dịch hoặc quy nạp, nhớ trình bày rõ câu chốt, câu diễn giải, câu dẫn chứng, câu khái quát nội dung đoạn các em vừa phải khái quát được nội dung đoạn mình vừa viết, vừa phải liên hệ được với nội dung mà đề yêu cầu, mỗi khi chuyển đoạn mới phải có liên kết đoạn.
- Phần thân bài các em cần triển khai khoảng bốn đến 5 đoạn, dựa vào khả năng viết của mình, nhào nặn những nội dung cơ bản trong mỗi đoạn thành sản phẩm mang đậm cái tôi của chính mình trong bài viết.
3. Kết bài:
- Khái quát được nội dung đề yêu cầu.
- Từ những gì đã cảm nhận em rút ra được bài học rút ra cho bản thân hoặc liên hệ với cuộc sống. Hi vọng với những gì cung cấp trong bài viết trên đây, các bạn sẽ tìm cho mình được một phương pháp phân tích thơ tốt nhất, tránh được lỗi diễn xuôi câu thơ.