Viết 1 bài văn biểu cảm về cây dừa không sao chép mạng Lưu ý: có mở bài, thân bài và kết bài nha

2 câu trả lời

“Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu,
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng.
Thân dừa bạc phếch tháng năm,
Quả dừa - đàn lợn con nằm trên cao”

Mỗi lần nghe vang vọng những câu thơ của Trần Đăng Khoa, trong lòng tôi lại rạo rực những kỉ niệm tuổi thơ sống động bình yên. Sinh ra và lớn lên tại miền Trung - mảnh đất cằn cỗi bỏng rát chịu nhiều đau thương khắc nghiệt. Tuy không nhận được nhiều ưu ái tự nhiên thuận lợi nhưng bù lại, mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho quê hương tôi những rặng dừa cao lớn hiên ngang trải dài ôm trọn lấy những bờ cát trắng xanh phẳng lì. Cây dừa đã trở thành biểu tượng của Quảng Bình quê tôi, trở thành một phần kí ức không thể thiếu trên chặng đường tôi khôn lớn và trưởng thành.

Tôi yêu quý cây dừa bởi sức sống mãnh liệt kiên trì bám trụ với đất bất chấp qua bao mùa phong ba bão táp của loài cây ấy, bởi một sự son sắt thủy chung ân tình bảo vệ bình yên cho cuộc sống của cư dân miền biển. Từng rặng dừa với thân cây cao vút, thân dừa màu nâu đậm, sần sùi, gồ ghề, những tán lá tỏa rộng vươn vai phóng khoáng đón nắng gió đất trời, tận hưởng những làn gió mát rượi xen lẫn hương vị mặn mà đắng chát của biển. Chúng như những mũi tên phóng thẳng lên tận trời cao, sự một sự thách thức, kiêu ngạo, muốn chứng tỏ bản lĩnh sinh tồn và sức chống chọi phi thường. Bố tôi kể rằng vào những ngày gió bão, sóng biển cuộn lên ào ào, cùng cơn thịnh nộ của trời đất, mưa xối xả ào ạt, mọi người đều phải đi di tán lánh nạn. Sau bao biến cố, cứ tưởng rằng cây dừa sẽ bị quật ngã và khuất phục, thế nhưng, chúng vẫn ở đấy, kiên trì và dai dẳng.

Hàng dừa xanh ngát là nơi lưu giữ và chôn cất biết bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ tươi đẹp hồn nhiên trong sáng, là khoảng trời ngây thơ đầy mộng mơ thấm đượm những câu chuyện cổ tích kì diệu của bà, câu hát vọng tếu táo yêu đời của bác hàng chòi, cả những lời thề son sắt thơ ngây tuổi ô mai ngày ấy về tình bạn và những khát vọng lớn lao được bay đến những chân trời mới của những đứa trẻ. Ôi thật vui biết bao những năm tháng hồn nhiên ấy. Tôi nhớ vào những ngày trời hè oi ả, tôi cùng lũ bạn trốn mẹ không ngủ trưa ra bờ cát có rặng dừa bày trò trốn tìm, đuổi bắt, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê. Rồi cùng nhau cả gan dám leo lên cây dừa suốt mấy tiếng đồng hồ chỉ để hái được một quả dừa xanh non tươi mát, thích thú nhất là khoảnh khắc bổ dừa ra nhiều nước ngọt, cả bọn vui sướng reo hò hân hoan và cùng thưởng thức thành quả. Làm sao có thể quên được cái hương vị ngọt ngọt bùi bùi thanh thanh của nước cốt hòa quyện với cái giòn giòn thơm thơm mùi sữa của cơm dừa ngày ấy. Cái mùi vị bình dị đơn sơ ấy đã thấm vào da vào thịt. Khiến tôi xao xuyến bồi hồi mỗi khi nhớ lại.

Ở dưới gốc dừa ấy, những đứa trẻ chúng tôi từ chỗ không quen biết đã gắn kết trở thành bạn, cùng nhau vui chơi nô đùa, và cứ như thế, cùng nhau đi qua những hồn nhiên tinh nghịch bướng bỉnh trẻ con để lớn lên từng ngày, trân trọng và quý mến nhau, xây dựng những tình bạn đẹp tuyệt vời.

Cây dừa gắn bó thân thiết với cuộc sống của người dân và gánh đỡ một phần thu nhập cho cuộc sống mưu sinh vất vả của người dân vùng biển. Chớ vội vàng nhìn vào thân hình khẳng khiu mỏng manh của cây dừa mà vội coi thường. Ngược lại, chúng có rất nhiều công dụng thần kì. Quả dừa ngọt thơm cùng với dòng nước thanh mát giúp giải khát ngày hè. Cùi dừa non cạo ra uống với nước cũng rất hấp dẫn. Khi già, có thể lấy cùi dừa để kho với thịt, ăn bùi bùi, ngon tuyệt. Cùi dừa còn có thể làm mứt, làm kẹo, làm thạch dừa. Những chiếc lá dừa được dùng để gói bánh. Nó còn được tận dụng lợp ngói nhà, làm vật liệu trang trí dịp tết đến xuân về. Trải qua bao nhiêu thời gian, chứng kiến sự già đi của những thế hệ tiếp bước, nhưng những rặng dừa vẫn hiên ngang sừng sững bao bọc lấy dân làng, trở thành một phần máu mủ ruột không thể thiếu vắng của người dân miền biển chai sương gió dãi dầu. Cây dừa hiện hữu trong từng bữa cơm, mỗi góc nhà, dịp lễ hội.

Cây dừa là người đồng hành tuyệt vời trong hành trình trưởng thành của đất nước. Trong thời chiến tranh loạn lạc, dừa trở thành thứ vũ khí đắc lực. Cùng với dao gươm gậy gộc chống lại kẻ thù xâm lược. Trong thời bình, dừa bình yên lặng lẽ điểm tô cho quê hương thêm vẻ thơ mộng, trù phú. Mảnh đất miền Trung nắng gió cứ tưởng như khô cằn và khắc nghiệt quá đỗi, nhưng nhờ sự hiện diện của những rặng dừa nghiêng mình trên những bãi cát trắng xóa, phong cảnh thiên nhiên như được tô sắc thêm vạn lần.

Tôi yêu cây dừa như yêu một người bạn thuở tấm bé lớn lên với tôi từng ngày. Sau này dù đi đâu về đâu, tôi sẽ luôn tự hào và kể cho mọi người nghe về những rặng dừa xanh trù phú thân thương của quê hương tôi.

Cứ mỗi lần về thăm quê vào dịp nghỉ hè em lại được thưởng thức một thứ quả đặc sản dân dã và quen thuộc của làng quê Việt Nam, đó chính là quả dừa. 

Nhà ông bà ngoại em có hai cây dừa, hai cây dừa ấy đã ngót nghét gần hai mươi tuổi. Hai cây dừa mọc ở hai bên bờ của chiếc ao nhỏ, cây nào cũng cao, dáng cây thon dài nhỏ dần từ gốc đến ngọn và cùng cong mình về phía mặt ao. Cây dừa đã già cỗi nhưng sức sống của nó chẳng thấy già đi chút nào, thân cây xù xì xám xịt và đầy rêu nhưng lá vẫn cứ xanh tươi, tàu lá vươn dài ra hàng mét như những cánh tay rắn rỏi chắc khoẻ. Những buồng dừa vẫn sai trĩu, có buồng mới ra quả non mơn mởn, có buồng quả đã to bằng cả cái xoong. Chọn dừa lấy nước uống phải lựa quả “bánh tẻ” nghĩa là không quá non cũng không quá già, dừa non thì không có cùi mà nước nhạt còn dừa già thì cùi cứng mà nước lại chua. Em thích uống những cốc nước dừa cho thêm đá sẽ rất mát và có vị ngọt thanh, cùi dừa non ăn với bánh đa lại rất thơm và ngậy. 

Em quên sao được những lần trèo cây hái dừa rách quần rách áo xước xát chân tay, nhưng đó mới chính là tuổi thơ, là những kỉ niệm đẹp mà bây giờ khó có thể quay lại được.