trình bày cảm nghũ của em về bài thơ cảnh khuya

2 câu trả lời

 Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm “ Cảnh khuya “ của Hồ Chí Minh

Bài làm

          Sinh thời, Hồ Chí Minh không chỉ là 1 lãnh tụ xuất chúng mà còn là 1 thi nhân tài ba. Người đã để lại cho chúng ta rất nhiều tập thơ, bài thơ có giá trị. Trong đó, bài thơ  “ Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về hình ảnh, thiên nhiên. Vả khi đọc từng chữ từng lời trong bài thơ  tôi đã phần nào \hiểu thêm về cách làm thơ của Bác, hiểu hơn về con người Bác.  

                                            Tiếng suối trong như tiếng hát xa

          Mở đầu bài thơ là cảnh rừng khuya yên tĩnh, vắng lặng, đâu dó có tiếng suối xa vọng lại róc rách, róc rách tựa như tiếng hát của một con người. Cách so sánh của Bác khá độc đáo, thú vị, so sánh “tiếng suối – tiếng hát” của con người. Nhờ cách so sánh đó mà tạo nên không gian của rừng khuya tuy vắng lặng nhưng lại vô cùng ấm áp, chứa đựng sự sống của con người. Tiếng suối được miêu tả sinh động khiến nó gần gũi với con người hơn. Câu thơ này được miêu tả gần giống như câu:

                                “ Côn Sơn suối chảy rì rầm

                                   Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”

 Câu thơ trên của nhà thơ Nguyễn Trãi trong bài “ bài ca Côn Sơn”. Tôi thấy được sự đồng điệu giữa hai nhà thơ này là tình yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên thì mới có thể miêu tả hay đến vậy.

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

 Trăng bao trùm khắp không gian nơi đây, tạo nên bức tranh đêm trăng tuyệt đẹp. Trăng sáng, cây, hoa quấn quýt đan cài vào nhau, tạo ra sự huyền ảo, làm cho bức tranh thiên nhiên có nhiều đường nét, hình khối. Những hình ảnh này rất quen thuộc trong thơ cổ:

“Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm

                                 Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông

                                 Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng,

                                 Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu

 Câu thơ mang đậm hình ảnh thơ cổ điển, bút pháp chấm phá, làm cho cảnh vật có hồn hơn. Câu thơ là một bức tranh đẹp, rất sinh động và hay.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

 Còn ở câu thơ này, cách so sánh “cảnh khuya – người chưa ngủ” rất sinh động, thú vị, tôi thấy được sự rung động của nhà thơ trước cảnh thiên nhiên đẹp. Người say sưa, đắm chìm ngắm cảnh thiên nhiên. Tôi hiểu Bác là người yêu thiên, nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên                                                nhiên. Đó là tâm hồn đẹp đẽ của một nhà thơ, tâm hồn của người nghệ sĩ.

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

 Tuy Người say sưa, hòa quện với vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Bác vẫn canh cánh một nỗi lo. Bác chưa ngủ vì Bác lo cho nước nhà. Bác lo cho nước, cho dân, băn khoăn về con đường cách mạng Việt Nam. Qua câu thơ này đã thể hiện được tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng trong Bác, một lòng một nước vì dân. Điệp ngữ” chưa ngủ” đã mở ra hai phía tâm trạng là chất nghệ sĩ và chất chiến sĩ. Chất nghệ sĩ là vì Bác yêu cảnh thiên nhiên, say mê cảnh đẹp. Chất chiến sĩ là vì Bác lo nỗi nước nhà. Bác có sự hòa hợp thống nhất của một người chiến sĩ cách mạng vĩ đại và một nhà thơ. Trong Bác có tình yêu thiên nhiên hòa  với tình yêu nước.

          Có thể nói, nghệ thuật của bài thơ với ngôn ngữ giản dị, gợi cảm, gợi hình ảnh, miêu tả chấm phá gợi hồn của cảnh vật và sử dụng các biện pháp tu từ: so sánh, Điệp ngữ. nội dung bài thơ là tả về bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và nói về sự hòa hợp giữa tình yêu thiên nhiên với lòng quê đất nước tha thiết, sâu nặng, sự phong phú của tâm hồn.

PHÁT BIỂU CẢM NGHĨ VỀ BÀI THƠ CẢNH KHUYA - HỒ CHÍ MINH
  Hồ Chí Minh không chỉ được biết đến với tư cách là vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam. Mà Người còn được biết đến với tư cách một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Đặc biệt trong số các tác phẩm của Bác, tôi cảm thấy ấn tượng nhất với bài thơ “Cảnh khuya”.Bài thơ được Bác Hồ sáng tác khi còn ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). 
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
   Ở hai câu thơ đầu, Bác đã dùng tâm hồn của một người thi sĩ để vẽ nên bức tranh thiên nhiên đẹp hoàn mỹ. Bức tranh núi rừng hiện ra rất sinh động bởi nó có cả tiếng suối, có trăng, có bóng hoa.
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa"
    “Tiếng suối” được ví von với “tiếng hát xa” gợi cho ta một cảm giác thanh bình. Có lẽ không gian đó yên ắng lắm, mọi người, mọi vật đã chìm vào giấc ngủ, thì Bác mới có thể lắng nghe được tiếng suối từ sau khe núi vọng về. Nhưng dưới ngòi bút và tâm hồn lãng mạn của chủ tịch Hồ Chí Minh, thì nó nghe như tiếng hát, lời hát ngọt ngào, quen thuộc gần gũi như ở quê nhà. Bất chợt Bác nhìn lên bầu trời và nhìn thấy được một cảnh tượng thật đẹp.
“Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
    Điệp từ "lồng" xuất hiện khiến cho người đọc liên tưởng đến sự gắn kết tuyệt đẹp khi trăng trên cao đã "xà" xuống thế gian, lồng bóng mình vào bóng thiên nhiên, vào bóng cổ thụ. Phải chăng nhìn từ tán cổ thụ, trăng treo trên cao như hạ xuống, đậu lên tán, thậm chí đan cài vài tán, bóng trăng cũng vì thế mà lồng vào bóng lá, bóng hoa, tạo nên những bóng đen, bóng trắng như muôn vàn hình hoa trên mặt đất. Khung cảnh thiên nhiên thật đẹp, thật thơ mộng, huyền ảo. 
  Nếu ở hai câu đầu là cảnh đẹp đêm trăng nơi rừng sâu thì hai câu sau là tâm trạng của Bác trước thời cuộc:
"Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà."
     Hai câu thơ cuối giúp ta thấy rõ hơn con người của Bác. Một con người yêu thiên nhiên tha thiết nhưng cũng chính vì yêu thiên nhiên mà luôn lo cho sự nghiệp của đất nước. Đây chính là nỗi lòng, là tâm tình của thi nhân, của vị lãnh tụ. Đồng thời ta cũng có thể thấy Bác Hồ của chúng ta dẫu bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian để chiêm ngưỡng thiên nhiên.Và càng yêu thiên nhiên thì trách nhiệm đối với công việc càng cao bởi ta có thể nhận thấy đằng sau hình ảnh người ung dung ngắm trăng đó là một nỗi khao khát về một đất nước thanh bình, để ngày ngày con người được sống tự do, hạnh phúc. 
      Bài thơ đã khép lại trong niềm xúc động dạt dào. Bác đã để lại cho đời những vần thơ hay đầy ý nghĩa, những vần thơ đó đã khơi dậy trong em tình yêu thiên nhiên và niềm kính yêu vô hạn vị Cha già của dân tộc. Qua bài thơ này ta càng hiểu rằng trong hoàn cảnh nào, Bác vẫn giữ được thái độ bình tĩnh chủ động như vậy, mặc dù ẩn trong phong thái ung dung tự tại ấy là nỗi lo cho nước, nỗi thương dân.