toàn cầu hoá đã mang lại những cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam
2 câu trả lời
Câu hỏi:toàn cầu hoá đã mang lại những cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam???
+Giao lưu với các nước trên thế giới, mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị, ngoại giao.
+Cùng với việc phục hồi, phát huy các giá trị văn hoá; nền văn hoá Việt Nam có điều kiện tiếp thu các giá trị mới của nền văn hoá thế giới và ngày càng trở nên đa dạng, phong phú.
1. Sự cần thiết, ý nghĩa của việc xác định cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế
Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đường lối phát triển kinh tế do Đảng đề ra được thể chế hóa thành luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước để toàn dân thực hiện. Đường lối đúng đắn của Đảng là yếu tố quyết định đối với thành tựu phát triển kinh tế đất nước trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua. Khi xây dựng đường lối, để đường lối được đề ra đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam bao giờ cũng bắt đầu bằng việc phân tích bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, tình hình đất nước, trong đó rất quan trọng là phân tích, đánh giá, xác định đúng cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế đất nước trong những năm tới. Đánh giá, xác định đúng cơ hội và thách thức là căn cứ, cơ sở khoa học để đề ra được đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đúng đắn, là cơ sở để bố trí, sắp xếp tổ chức, cán bộ phù hợp, để xây dựng kế hoạch, những trọng tâm cần tập trung thực hiện.
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 1-2016) đề ra đường lối phát triển đất nước nói chung, phát triển kinh tế nói riêng trong nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020 đã có những đánh giá: “Năm năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học - công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh. Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược quan trọng; đồng thời cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn… Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước được nâng cao; thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức… Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng, quyết tâm: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công việc đổi mới…”[1].
Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế đất nước phụ thuộc cả vào tình hình bên trong và bên ngoài đất nước, trong đó đặc biệt quan trọng là nội lực, thế và lực, sức mạnh tổng hợp, trình độ phát triển kinh tế, uy tín của đất nước. Cùng trong một bối cảnh thế giới và khu vực, cơ hội chỉ mở ra đối với những nước đã có sự chuẩn bị, có đủ thế và lực để nắm bắt cơ hội. Nội lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước cũng là cơ sở để đất nước vượt qua thử thách, thậm chí có thể biến thách thức thành cơ hội khi thách thức đó tạo ra động lực, áp lực buộc đất nước phải nỗ lực phấn đấu, vượt qua. Nhật Bản, Israel là những tấm gương tiêu biểu của những quốc gia đã vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội để phát triển. Ngược lại, một số nước được thiên nhiên ưu đãi, có nguồn tài nguyên phong phú, có trữ lượng và giá trị lớn, có cơ hội lớn để phát triển kinh tế, nhưng đã không tận dụng có hiệu quả các cơ hội này, chỉ khai thác tài nguyên để bán, tuy có mức sống cao nhưng không phải là quốc gia có nền kinh tế phát triển, ẩn chứa nhiều thách thức về ổn định chính trị, xã hội.
Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và đang bắt tay vào chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội XIII ,dự kiện tổ chức vào đầu năm 2021. Để xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển kinh tế đất nước trong 5 năm của nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng cũng bắt đầu từ việc phân tích bối cảnh tình hình, cả trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó xác định cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế.
2. Về cơ hội
Đầu tiên, phải nói tới cơ hội do tính chất của thời đại, do bối cảnh tình hình quốc tế ngày nay tạo ra. Đảng CSVN luôn xác định, để sự nghiệp cách mạng của Việt Nam thắng lợi phải phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc và kết hợp với sức mạnh của thời đại. Việt Nam là một nước kinh tế phát triển còn thấp, chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nhưng Việt Nam có thể phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội là do tính chất của thời đại ngày nay là thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đúng như nguyên lý mà C.Mác, đã nêu ra: loài người chỉ đặt ra những vấn đề mà điều kiện, những yếu tố để giải quyết vấn đề đó đã xuất hiện. Thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới đã tạo ra cơ hội để một đất nước chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa có thể phát triển theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế trở thành xu thế chung của tất cả các quốc gia để phát triển. Hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ, vốn đầu tư của các nước đều có thể lưu thông, luân chuyển trên quy mô toàn cầu; phân công và hợp tác sản xuất cũng có thể diễn ra ở nhiều quốc gia trên quy mô toàn cầu; doanh nghiệp của một nước có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu… Toàn cầu hóa tạo ra cơ hội cho mọi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia nghèo, chậm phát triển. Việt Nam, trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, thực hiện đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã sớm chủ trương hội nhập quốc tế, bắt đầu từ hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước mở rộng ra các lĩnh vực khác. Đến nay, Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có quan hệ ngoại giao, kinh tế với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; tham gia, trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín, toàn cầu và khu vực (Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại quốc tế, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, tổ chức ASEAN…), đã ký 16 hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nhờ hội nhập, Việt Nam đã mở rộng thị trường cho xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nguồn vốn, thành tựu khoa học – công nghệ, để đạt được những thành tựu phát triển như những năm qua. Trong những năm tới, những nền tảng hội nhập kinh tế quốc tế đã xây dựng được, những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết sẽ có hiệu lực và những hiệp định sẽ được ký kết mới, sẽ tiếp tục mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp tục phát triển.
Những biến động phức tạp gần đây trên thế giới, trong quan hệ quốc tế, sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, chủ trương bảo hộ thị trường trong nước, cản trở toàn cầu hóa ở một số nước lớn, nhất là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, đang và sẽ ảnh hưởng lớn tới lưu thông hàng hóa, đầu tư quốc tế, tăng trưởng kinh tế thế giới. Bối cảnh này có những ảnh hưởng nhất định tới Việt Nam, tạo ra những khó khăn, thách thức cho Việt Nam; nhưng đồng thời, cũng tạo ra cơ hội cho Việt Nam, khi Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ, vào thị trường Trung Quốc thay thế cho hàng hóa của một số nước bị cản trở xuất khẩu vào những thị trường này. Việt Nam có cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc và thu hút cả các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam sản xuất hàng hóa để xuất khẩu vào Mỹ, đi vòng, tránh thuế quan cao và hàng rào thương mại của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc.
- Thời đại ngày nay là thời đại cách mạng khoa học – công nghệ, trực tiếp hiện nay là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, tạo ra những bước phát triển nhảy vọt của lực lượng sản xuất xã hội; trong đó, khoa học – công nghệ, tri thức trở thành nguồn lực và động lực quan trọng nhất đối với sự phát triển. Vai trò của các yếu tố sản xuất khác, như vốn, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, trước đây từng là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của các quốc gia, giảm xuống. Với sự phát triển của hệ thống internet và các mạng thông tin kết nối toàn cầu, tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và truyền bá tri thức. Những điều này tạo ra cho Việt Nam, một nước luôn quan tâm tới phát triển giáo dục, có nền giáo dục phát triển; có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, tỷ lệ người sử dụng internet cao so với nhiều nước có thu nhập bình quân đầu người như Việt Nam, cơ hội để có thể đi ngày vào hiện đại, phát triển theo hình thức rút gọn, đi tắt đón đầu, phát triển kinh tế nhanh, rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế với các nước tiên tiến trên thế giới.
- Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, trở thành khu vực phát triển năng động, có vai trò ngày càng quan trọng đối với phát triển kinh tế thế giới. Trong khu vực, có nhiều nền kinh tế lớn, có tiềm lực tài chính, khoa học – công nghệ mạnh, phát triển năng động như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, có những thị trường lớn, các nguồn vốn đầu tư lớn. Là một nước nằm trong khu vực phát triển năng động nay, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, cũng tạo ra những cơ hội phát triển cho Việt Nam.
- Việt Nam là đất nước có sự ổn định chính trị - xã hội cao, con người thông minh, nhân hậu, mến khách, có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều bãi biển đẹp, nhiều di sản văn hóa - lịch sử có sức thu hút lớn, có nhiều món ăn và nghệ thuật ẩm thực được bạn bè quốc tế yêu thích. Sau nhiều năm phát triển, đã xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, hệ thống điện, nước, công nghệ thông tin, viễn thông khá đồng bộ, hiện đại, kết nối quốc tế. Nền kinh tế của Việt Nam hiện nay là nền kinh tế thị trường đã có nhiều yếu tố của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập ngày càng phù hợp với các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế. Cải cách các thủ tục hành chính được đẩy mạnh, các quy định về điều kiện kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện được thu hẹp, ngày càng công khai, minh bạch; môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, thông thoáng, được nâng bậc theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín. Nền kinh tế năng động, đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức cao hàng đầu các quốc gia trên thế giới; dân số Việt Nam đông, gần 100 triệu người với mức thu nhập ngày càng được cải thiện, đang ở giai đoạn dân số vàng, là thị trường và địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam đang được cơ cấu lại, đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao… Những điều này tạo ra cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.
3. Về thách thức
Trong những năm tới, sự phát triển kinh tế của Việt Nam không chỉ có cơ hội, mà còn có không ít thách thức, thậm chí cả những nguy cơ. Điều đáng chú ý là nhiều thách thức trong đó lại xuất phát từ những mặt khác của chính những yếu tố tạo ra cơ hội cho phát triển kinh tế đất nước.
- Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ đặt doanh nghiệp Việt Nam, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam trước thách thức phải cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp, các sản phẩm hàng hóa của nước ngoài không chỉ ở thị trường nước ngoài mà ngay cả ở thị trường trong nước của Việt Nam; trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phổ biến là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính hạn chế, phải cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, tiềm lực tài chính hùng hậu, có những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, hiện nay, phần lớn là ở những công đoạn có trình độ công nghệ thấp, gia công, lắp ráp.
Hội nhập quốc tế, kinh tế Việt Nam đứng trước thách thức sẽ chịu tác động trực tiếp, nhanh chóng từ những biến động kinh tế từ bên ngoài, từ những biến động trên thị trường khu vực, thế giới về giá cả, lãi suất, tỷ giá của các đồng tiền, nhất là những đồng tiền có ảnh hưởng lớn; từ những thay đổi của các luồng hàng hóa, tài chính, đầu tư quốc tế và nghiêm trọng hơn là chịu sự tác động, ảnh hưởng rất nhanh của các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính khu vực và trên thế giới. Tác động với nền kinh tế đất nước sẽ rất nghiêm trọng nếu Việt Nam không chủ động có biện pháp ứng phó và nếu nội lực của nền kinh tế yếu. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam còn đối mặt với những thách thức từ những cuộc tấn công mạng vào các hệ thống quản lý, hệ thống dữ liệu để ăn cắp dữ liệu, ăn cắp công nghệ, kế hoạch, các bí quyết kinh doanh, nhất là của những đối thủ cạnh tranh.
Khi hội nhập quốc tế, việc giữ vững, không ngừng củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước cũng gặp những thách thức bởi một tỷ lệ không nhỏ các yếu tố đầu vào cho hoạt động của nền kinh tế (vốn, công nghệ, máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu) là nhập khẩu từ nước ngoài và thị trường bên ngoài có vai trò rất lớn, rất quan trọng đối với việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa mà nền kinh tế đất nước tạo ra. Hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam sẽ góp phần làm phong phú hơn hàng hóa trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhưng sẽ trở thành thách thức nếu hàng hóa nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, loại hàng hóa Việt Nam ra khỏi thị trường, bóp chết sản xuất trong nước. Những điều kiện vay vốn nước ngoài (vay chính phủ các nước, vay các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế, phát hành trái phiếu quốc tế…) càng dễ dàng, thuận lợi thì nợ nước ngoài cũng càng có khả năng, điều kiện tăng nhanh, sẽ trở thành thách thức lớn khi việc sử dụng vốn vay kém hiệu quả. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước, tạo việc làm cho người lao động, nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, nhưng có thể trở thành thách thức lớn nếu quản lý thiếu chặt chẽ, để gây ra ô nhiễm môi trường, nước ta trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu cho các nước phát triển, để các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng các chính sách ưu đãi, khai thác tài nguyên, nguồn lao động giá rẻ của đất nước, khi hết thời hạn ưu đãi, không còn có thể khai thác tài nguyên và tận dụng lao động rẻ, họ sẽ bỏ đi, để lại nhiều gánh nặng mà đất nước phải giải quyết…
- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng không phải chỉ tạo ra cơ hội cho kinh tế Việt Nam phát triển, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, mà cũng tạo cho Việt Nam nhiều thách thức lớn phải vượt qua và chỉ khi vượt qua những thách thức này mới nắm bắt được cơ hội, chuyển cơ hội thành hiện thực. Thách thức rất lớn đối với Việt Nam là vấn đề tốc độ phát triển rất nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của những thay đổi, phát triển công nghệ diễn ra nhanh chóng trên thế giới. Theo kịp tốc độ phát triển này đối với Việt Nam là một thách thức lớn. Hơn nữa, trong khi ở Việt Nam, hệ thống thể chế cho các hoạt động, các lĩnh vực, các mô hình kinh doanh mới, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, xử lý tranh chấp,… việc quản lý các hoạt động kinh tế, sinh hoạt xã hội trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn chưa hình thành; việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát triển khoa học - công nghệ, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng… đáp ứng đòi hỏi phát triển kinh tế đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng không phải là nhiệm vụ đơn giản, dễ dàng.
Thách thức khác đối với Việt Nam là trình độ khoa học - công nghệ rất cao, rất mới, diễn ra trên diện rất rộng, hầu như tất cả các lĩnh vực kinh tế, phạm vi tác động rất lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để nắm bắt được cơ hội, đòi hỏi phải đáp ứng được đồng thời tất cả các yêu cầu đặt ra, đòi hỏi đất nước cũng phải có trình độ phát triển cao về khoa học - công nghệ, có nguồn nhân lực chất lượng cao, từ cán bộ nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ, thiết kế sản phẩm đến những người trực tiếp sản xuất; đòi hỏi cả những thay đổi tâm lý, nếp sống của các tầng lớp xã hội, thay đổi tổ chức, quản lý của hệ thống chính quyền các cấp, các ngành; đây không phải là vấn đề dễ dàng, mà thật sự là những thách thức. Không vượt qua được những thách thức nhỏ, cụ thể này thì thách thức lớn nhất với Việt Nam sẽ là tụt hậu xa hơn, so với các nước khác
- Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á phát triển năng động, nhưng cũng là khu vực có sự cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng mạnh mẽ, kìm chế lẫn nhau giữa các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt là tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa các nước trong khu vực hết sức căng thẳng, có nguy cơ gây mất ổn định khu vực. Giữ vững chủ quyền biển, đảo của đất nước, đồng thời phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế đất nước là thách thức lớn đối với Việt Nam.
- Kinh tế Việt Nam phát triển chưa ổn định, bền vững. Nợ công, thâm hụt ngân sách nhà nước cao, kéo dài. Doanh nghiệp trong nước 95-96% là doanh nghiệp nhỏ, trình độ công nghệ thấp. Nền kinh tế cơ bản còn phát triển theo chiều rộng, dựa vào vốn đầu tư, tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông, chuyển dịch sang phát triển theo chiều sâu dựa trên khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao còn chậm. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp, chuyển biến chậm.
Hiện nay, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, nhưng theo dự báo, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ kết thúc sớm hơn so với một số nước, dân số già nhanh. Kinh nghiệm các nước cho thấy, các nước cất cánh được trở thành nước phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình đều diễn ra trong thời kỳ dân số vàng. Nếu kinh tế Việt Nam không cất cánh được trong thời kỳ dân số vàng, Việt Nam sẽ khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình