So sánh nông nghiệp của việt nam và nhật bản?Bài học cho việt nam

1 câu trả lời

. CHÍNH SÁCH GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TAM NÔNG Ở NHẬT BẢN

1. Chính sách phát triển nông nghiệp ở Nhật Bản

1.1. Phát triển khoa học - kỹ thuật nông nghiệp

Sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản bị tàn phá nặng nề, không chỉ sản xuất công nghiệp mà nông nghiệp cũng đạt ở mức rất thấp, nguyên liệu và lương thực trong nước thiếu thốn trầm trọng. Do vậy trong điều kiện đất chật người đông, để phát triển nông nghiệp, Nhật Bản coi phát triển khoa học kỹ thuật nông nghiệp là biện pháp hàng đầu. Nhật Bản tập trung vào các công nghệ tiết kiệm đất như: tăng cường sử dụng phân hoá học; hoàn thiện công tác quản lý và kỹ thuật tưới tiêu nước cho ruộng lúa; lai tạo và đưa vào sử dụng đại trà những giống kháng bệnh, sâu rầy và chịu rét; nhanh chóng đưa sản xuất nông nghiệp sang kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất... Đây là một thành công quan trọng về định hướng đầu tư khiến cho sản xuất nông nghiệp vào năm 1950 đã được phục hồi xấp xỉ mức trước chiến tranh. Sản xuất tiếp tục phát triển và tới 1953 đã vượt mức trước chiến tranh 30%. Sản xuất nâng cao là điều kiện thuận lợi để Nhật Bản thực hiện Chương trình hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp.

Để phát triển khoa học - kỹ thuật nông nghiệp, Nhật Bản chủ yếu dựa vào các viện nghiên cứu nông nghiệp của Nhà nước và của chính quyền các địa phương. Thời gian này, những viện nghiên cứu vùng được nhà nước thành lập, trong đó Viện quốc gia về khoa học nông nghiệp được thành lập ở cấp Nhà nước là cơ quan có trách nhiệm tổng hợp gắn kết toàn bộ các viện nghiên cứu cấp ngành thành một khối. Việc nghiên cứu nông nghiệp do Viện nghiên cứu quốc gia và các viện nghiên cứu nông nghiệp chuyên ngành cùng đảm nhiệm. Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu nông nghiệp cũng tăng cường liên kết nghiên cứu với các trường đại học, các xí nghiệp tư nhân và các hội khuyến nông. Nhờ vậy, việc phát triển và mở rộng việc áp dụng các nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp song song với những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực phát triển cơ giới hoá, đầu tư và hoàn thiện những cơ sở hạ tầng.

1.2. Cải cách ruộng đất

Sau cải cách ruộng đất 1945 và 1948, một phần lớn diện tích canh tác đã được cải tạo, đồng thời kỹ thuật canh tác mới cũng được đưa vào áp dụng, góp phần quan trọng làm tăng năng suất đất đai canh tác. Quyền sở hữu ruộng đất đã trở thành động lực kích thích mạnh mẽ nông nghiệp phát triển, mở rộng việc mua bán nông phẩm và tăng nhanh tích luỹ. Thời gian này năng suất sản xuất nông nghiệp được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, khi các tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển rất khó áp dụng vào sản xuất nông nghiệp vì quy mô sản xuất của các hộ quá nhỏ. Năm 1962, tạo điều kiện thuận tiện cho quản lý sản xuất nông nghiệp hợp tác xã và mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp để cơ khí hoá trên quy mô lớn, chương trình hoàn thiện cơ cấu nông nghiệp đã được thực hiện. Đến năm 1969, chương trình này được thực hiện lần thứ hai với chức năng thúc đẩy việc mở rộng quy mô sản xuất và củng cố các tổ chức sản xuất. Tuy vậy, kết quả đạt được không cao.

Xét về lợi thế cạnh tranh thì Nhật Bản không có lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp do hạn chế về đất đai. Nhưng Nhật Bản đã thành công đưa khoa học và công nghệ vào nông nghiệp nhằm tăng năng suất nông nghiệp. Sự phát triển khoa học kỹ thuật làm tăng sản lượng nông phẩm nhưng đồng thời lại làm giảm bớt đất đai và nguồn nhân lực nông nghiệp. Do yêu cầu của các ngành công nghiệp, vì thế nhiều diện tích canh tác bị chuyển sang các mục tiêu sử dụng khác. Để duy trì, bảo vệ những vùng đất tốt dùng cho mục đích nông nghiệp, năm 1969 Nhà nước đã ban hành luật “Cải tạo và phát triển những vùng đất có khả năng mở rộng sản xuất nông nghiệp”. Đến năm 1970, Luật đất đai nông nghiệp và luật hợp tác xã nông nghiệp được sửa đổi bổ sung nới rộng quyền hạn cho thuê, phát canh đất sản xuất nông nghiệp cũng như quyền quản lý cho các tập đoàn và các hợp tác xã nông nghiệp. Hệ thống tập đoàn nông dân thành lập vào năm 1970 được xem là chính sách hoàn thiện cơ cấu tổ chức đối với những người nông dân trực tiếp sản xuất.

Năm 1975, Nhật Bản quyết định thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp toàn diện, bao gồm: đảm bảo an toàn lương thực; xem xét lại chính sách giá cả; hoàn thiện cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh các công trình phúc lợi trong các làng xã. Đồng thời chương trình “Đẩy mạnh sử dụng đất nông nghiệp” được triển khai. Chương trình này được bổ sung vào năm 1980, và nhờ vậy nó giữ vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Từng hộ sản xuất riêng lẻ, với quy mô quá nhỏ thì không thể có đủ điều kiện kinh tế và kỹ thuật để hiện đại hoá quá trình sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn. Năm 1995, số lượng nông trại giảm 791 nghìn cái (giảm 18,7%) so với năm 1985. Quy mô ruộng đất bình quân một nông trại có sự thay đổi theo hướng tích tụ ruộng đất vào các trang trại lớn để tăng hiệu quả sản xuất. Xu hướng này thể hiện rõ nhất trong giai đoạn 1990-1995, qui mô đất lúa bình quân/hộ tăng từ 7180m2  lên 8120m2.

1.3. Phát triển sản xuất có chọn lọc, nâng cao chất lượng nông sản

Kể từ sau năm 1951, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật – công nghệ làm cho sản xuất nông nghiệp thừa dẫn đến giá cả nông sản liên tục giảm và thu nhập nông dân bị giảm sút. Năm 1956, thu nhập của mỗi nông hộ kém 10% và của mỗi nhân khẩu chỉ bằng 2/3 so với nhân khẩu công nhân thành phố. Tình hình này khiến cho nông dân lo lắng về tương lai của họ trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng. Thời kỳ này, ngành nông nghiệp Nhật Bản gặp phải nhiều khó khăn, nhiều vấn đề nông nghiệp đòi hỏi phải được giải quyết thông qua những chính sách mới về nông nghiệp như: các hộ nông dân thu nhập thấp; cạnh tranh kém trên thị trường quốc tế; số nông dân lao động phi nông nghiệp ngày một tăng; hệ thống cơ cấu công việc đồng áng bị tổn hại...

Để giải quyết những khó khăn trên và cải thiện điều kiện kinh tế của hộ nông dân, chính sách nông nghiệp của Nhật Bản đã nhấn mạnh tới việc chuyển từ chỗ tăng sản lượng lương thực một cách đơn thuần sang phát triển nông nghiệp trên cơ sở tăng hiệu quả kinh tế. Bước ngoặt của chính sách nông nghiệp thực sự bắt đầu khi Luật Nông nghiệp cơ bản được ban hành vào năm 1961, với hai phương hướng chính sách chủ yếu: Phát triển sản xuất có chọn lọc, cụ thể là đẩy mạnh sản xuất những sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng và giảm sản xuất những nông phẩm có sức tiêu thụ kém. Hoàn thiện cơ cấu nông nghiệp, kể cả việc phát triển những nông hộ và hợp tác xã có năng lực về quản lý kinh doanh và canh tác. Chính sách giá cả được xem là quan trọng nhưng Nhật Bản còn ngần ngại khi thực hiện nâng giá, lý do đơn giản là sợ làm tăng nhanh nguồn thu nhập của nông dân.

Trong những năm 1960 và 1970, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Nhật đã đẩy thu nhập của nhân dân tăng đáng kể, nhu cầu tiêu dùng đạm động vật, mỡ, dầu thực vật, và hoa quả tăng nhanh, trong khi đó nhu cầu về gạo giảm xuống. Do có sự thay đổi khẩu phần ăn như vậy, nên chính sách và biện pháp sản xuất có chọn lọc được áp dụng chủ yếu cho chăn nuôi và cây ăn quả. Kết quả là từ 1960 đến 1970, sản phẩm chăn nuôi tăng 4 lần và sản lượng hoa quả tăng 2 lần; nhu cầu lương thực, thực phẩm ở trong nước phần lớn đã được giải quyết. Cũng trong thời gian này, lao động trong nông nghiệp giảm xuống khoảng 50%, song năng suất lao động lại tăng bình quân hàng năm 5-8% nhờ tăng cường cơ giới hoá và cải tiến quy trình kỹ thuật. Đây là tỷ lệ tăng bình quân cao nhất ở những nước phát triển.

Khẩu phần ăn của người Nhật đã thay đổi, nên ngành thực phẩm chế biến ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Các chính sách về mua bán và chế biến nông phẩm như: hoàn thiện và củng cố mạng lưới bán buôn từ cấp trung ương tới địa phương; tổ chức hệ thống tín dụng cho những người tham gia dịch vụ mua bán; hướng dẫn kỹ thuật và quản lý cho những người quản lý các xí nghiệp nhỏ; bảo hộ cho người tiêu dùng... cũng được thực hiện.

1.4. Phát triển các HTX và các tổ chức kinh tế HTX dịch vụ

Hợp tác xã (HTX) có vị trí rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp ở Nhật Bản. Hầu hết những người nông dân đều là xã viên của HTX nông nghiệp. Chính phủ rất coi trọng thể chế vận hành các HTX nông nghiệp và đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách giúp đỡ phát triển, không ngừng mở rộng quy mô sản xuất nhằm giúp người nông dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và cùng hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Theo Luật hợp tác xã nông nghiệp, năm 1972 Liên hiệp các HTX nông nghiệp quốc gia Nhật Bản (ZEN-NOH) chính thức được thành lập và được chính phủ giao thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp và nông thôn. Hệ thống HTX nông nghiệp Nhật Bản được phân làm 3 cấp, hoạt động với tôn chỉ dựa vào sự nỗ lực hợp tác giữa các hợp tác xã nông nghiệp cấp cơ sở, các liên đoàn cấp tỉnh và cấp trung ương tạo thành một bộ máy thống nhất hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương. Vai trò của các HTX và tổ chức kinh tế HTX dịch vụ đã thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất và chuyên môn hoá sâu theo hướng thương mại hoá trong nông nghiệp nước này.

1.5. Chính sách hỗ  trợ nông nghiệp

Về chính sách giá cả, đặc biệt chính sách trợ giá cho lúa gạo khá lớn, đã kích thích sản xuất và dẫn đến sản xuất thừa gạo. Các sản phẩm nông nghiệp khác như lúa mì và hoa màu đều giảm. Từ năm 1970, Nhật Bản bắt đầu hạn chế mức sản xuất gạo, do vậy Nhật Bản chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu lương thực trong nước so với 79% của năm 1960. Theo quan điểm an ninh lương thực là mục tiêu số một nên ngành nông nghiệp được bảo hộ rất cao. Nhật Bản luôn khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo kiểu tự cung tự cấp thông qua việc hạn chế nhập khẩu một cách tối đa. Điều này dẫn tới mức giá nông phẩm cao và khuyến khích sản xuất trong nước. Nhà nước có sự can dự rất sâu trong kiểm soát việc cung cấp và ấn định các mức giá cho một số loại hàng hoá nông phẩm ở thị trường nội địa. Chỉ riêng việc duy trì giá gạo cao, trong vòng hơn 30 năm qua Nhật Bản đã phải chi một khoản trợ cấp rất lớn 6 tỷ yên cho chính sách này và sau đó lại cần đến 5 tỷ yên để bán hết số gạo dư thừa đó .

Trong khi đó các đối tác thương mại chủ yếu của Nhật Bản đã triển khai một cách khó khăn những cuộc cải cách nông nghiệp theo khuynh hướng chung về tự do hoá thương mại của vòng đàm phán Urugoay và WTO thì sự ủng hộ của người Nhật cho những thay đổi đó vẫn còn rất yếu. Nền kinh tế Nhật Bản sau hơn một thập kỷ suy thoái đang tiếp tục cần phải có những sự điều chỉnh cơ cấu một cách mạnh mẽ hơn. Thất nghiệp ở mức cao và thu nhập thực tế giảm sút khiến cho người tiêu dùng đã có những phản ứng khi họ phải trả mức giá cao khi mua nông sản được sản xuất ở trong nước khi so sánh với mức giá trên thị trường thế giới. Trong khi đó việc nới lỏng tự do hoá nhập khẩu khiến cho giá một số hàng nông phẩm thấp đi.

Rõ ràng chính sách hỗ trợ nông nghiệp kéo dài của Nhật Bản đang làm tổn thương tới những điều mà nó cố tình bảo vệ vì lương thực được cho là dồi dào ở Nhật Bản nhưng giá cả lương thực vẫn khá đắt, đặc biệt đối với những ai có mức thu nhập thấp. Điều này làm giảm sức mua của người tiêu dùng, do đó làm tổn thương tới các nhà cung cấp khác trên cơ sở tạo ra các ảnh hưởng kinh tế mang tính dây chuyền. Việc hỗ trợ thu nhập cho người nông dân thông qua việc duy trì các mức giá nông sản cao, cũng làm cho tính cạnh tranh của khu vực này về mặt dài hạn và khả năng đảm bảo an ninh lương thực của Nhật Bản bị giảm sút.

Như vậy, có thể thấy các chính sách hỗ trợ trong quá khứ của Nhật dường như sẽ không còn phù hợp nữa và Nhật Bản đã đưa ra “Luật cơ bản mới về lương thực, nông nghiệp và khu vực nông thôn” vào cuối năm 1999 với hứa hẹn có những cuộc cải cách mới trong lĩnh vực nông nghiệp. Song thực tế cải cách nông nghiệp diễn ra hết sức chậm chạp. Việc này được lý giải bởi các ảnh hưởng chính trị của những người nông dân và các HTX nông nghiệp vẫn còn rất lớn trong xã hội Nhật Bản.

Đến nay Nhật Bản vẫn duy trì mức thuế cao đối với các mặt hàng như gạo, lúa mỳ và các sản phẩm từ sữa. Có thể thấy rõ điều này thông qua việc “so sánh về chính sách giữa các nước, khối nước khác nhau”. Ở Mỹ phần gánh nặng mà người tiêu dùng phải chịu đã giảm từ 46% trong giai đoạn 1986-1988 xuống còn 35% trong năm 2004; ở EU cũng giảm từ 85% xuống còn 54%, ngược lại ở Nhật Bản lại tăng từ 90% lên 91%. Với việc duy trì mức thuế cao, Nhật Bản đang phải đối mặt với những phản ứng của các đối tác thương mại trên các diễn đàn song phương và đa phương về sức ỳ quá lớn của Nhật Bản đối với tiến trình tự do hoá trong lĩnh vực nông nghiệp.

2. Chính sách đối với vấn đề phát triển nông thôn

2.1. Chính sách “ly nông bất ly hương”

Với phương châm “ly nông bất ly hương” để phát triển nông thôn, Nhật Bản đã thực hiện thành công với hai nhóm chính sách chính: phát triển doanh nghiệp nông thôn và đưa công nghiệp lớn về nông thôn để tạo sự gắn bó hài hoà phát triển nông thôn với phát triển công nghiệp, xoá bỏ khoảng cách về mức sống giữa đô thị và nông thôn. Ở Nhật Bản, năm 1950 thu nhập phi nông nghiệp đóng góp gần 30% tổng thu nhập của cư dân nông thôn, năm 1990 tăng lên tới 85%.

Nhật Bản chủ động đưa công nghiệp lớn từ đô thị về nông thôn để tạo việc làm và thu nhập cho cư dân nông thôn, giảm tải cho thành phố. Ở Nhật Bản, không chỉ các ngành công nghiệp chế biến nông sản mà cả các ngành cơ khí, hoá chất đều được phân bố trên toàn quốc. Từ khi bắt đầu công nghiệp hoá (năm 1883), 80% nhà máy lớn ở Nhật đã được xây dựng ở nông thôn; 30% lao động nông nghiệp tham gia hoạt động phi nông nghiệp, năm 1960 tỷ lệ này tăng lên 66%. Nhờ chủ trương này mà công nghiệp sử dụng được một nguồn lao động rẻ, dân cư nông thôn có thu nhập cao.

2.2. Phát triển cộng đồng nông thôn qua các tổ chức HTX

Góp phần vào việc đưa công nghiệp về nông thôn, các HTX và tổ chức kinh tế hợp tác dịch vụ nông nghiệp đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản. Các HTX và tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp đã phát huy tác dụng tích cực trên nhiều mặt: đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; tiêu thụ hết nông sản hàng hoá với giá cả ổn định theo hợp đồng, có lợi cho người sản xuất, cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, giá cả nông sản... làm cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư chiều sâu phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, thâm canh cao và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường trong nước và thế giới. Nhờ chính sách đưa công nghiệp về nông thôn, ngày nay hầu như không còn vùng nông thôn thuần tuý, kể cả vùng núi, vùng xa. Ranh giới giữa nông thôn và thành thị thật khó phân biệt cả về kinh tế, xã hội và đời sống. Quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn đã cơ bản hoàn thành.

HTX nông nghiệp được xây dựng trên nền tảng làng xã nông thôn Nhật Bản. Trong mỗi làng xã, những mối quan hệ nhiều chiều đa dạng đã tồn tại từ rất lâu giữa các gia đình, giữa những người nông dân. Lợi dụng ưu điểm này, HTX nông nghiệp được xây dựng trên cơ sở cộng đồng nông thôn để tạo quan hệ cộng đồng mới vững chắc được bắt nguồn từ bên trong cộng đồng làng xã. Do vậy, HTX cũng rất chú trọng đến các hoạt động mang tính cộng đồng để làm cho cuộc sống ở nông thôn tốt đẹp hơn.

3. Chính sách đối với vấn đề nông dân

Ở Nhật Bản, sau khi cải cách ruộng đất người nông dân có ruộng cày và các tư liệu sản xuất khác, các chính sách thúc đẩy sản xuất phát triển được áp dụng nhằm tiếp sức cho đối tượng nông dân này và họ đã thực sự trở thành một tầng lớp xã hội quan trọng trong xã hội. Để khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất kinh doanh, Nhật Bản đánh thuế nông nghiệp theo hạng đất và ổn định hàng chục năm, giá nông sản duy trì ở mức cao, giá vật tư được giữ thấp.

Tầng lớp nông dân nhỏ cạnh tranh thành công thị trường là nhờ kinh tế hợp tác rất phát triển. Gần 100% nông dân ở Nhật Bản là hội viên nông hội và xã viên HTX. Hiện nay vốn đầu tư trung bình của một hợp tác xã Nhật Bản khoảng hơn 5 triệu USD và tổng đầu tư của các HTX vào khoảng 12,54 tỷ USD. Trước hết, hệ thống HTX và nông hội được tổ chức theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng và dân chủ ra quyết định. Hội đồng quản trị từ cơ sở đến trung ương đều do xã viên bầu, giám đốc điều hành do hội đồng tuyển và hợp đồng. Các cấp quản lý có trách nhiệm thực hiện đúng nhiệm vụ được nông dân uỷ thác, bảo vệ và phản ánh quyền lợi của nhân dân. Trên cơ sở là tổ chức thực sự của dân, vì dân và do dân, HTX và nông hội được nhà nước hỗ trợ và trao cho các quyền hết sức quan trọng, quyết định vận mệnh sống còn của sản xuất và đời sống nông dân:

- HTX và nông hội là hệ thống kinh doanh chính, khống chế thị trường vật tư nông nghiệp, thị trường buôn bán nông sản trong nước và xuất nhập khẩu. Làm chủ toàn bộ dây chuyền cung ứng vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra của sản xuất nông nghiệp, nắm giữ các ngân hàng, doanh nghiệp, chợ bán buôn, sở hữu kho tàng bến bãi chính,... Đối với nông dân Nhật Bản, hợp tác xã nông nghiệp là kênh tiêu thụ nông sản chính cho phần lớn nông sản (gạo trên 90%; rau, hoa quả, sữa tươi, thịt bò trên 50%). Tổng doanh thu tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm năm 1997 đạt khoảng 742 nghìn tỷ đồng. Nông dân Nhật Bản cũng chủ yếu mua hàng qua HTX (phân bón 94,5%, bao bì 81,9%, hoá chất nông nghiệp 70%, vật liệu cách nhiệt 68%, thức ăn gia súc 35,5%, ô tô 24,4% và hàng tiêu dùng 15,6%).

- HTX cũng là người cung cấp chính các dịch vụ thiết yếu cho nông dân, như: tín dụng, bảo hiểm rủi ro, khuyến nông, chuyển giao công nghệ. Từ năm 1900 hoạt động hợp tác xã ở Nhật Bản có nhiệm vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng tập thể các máy móc thiết bị, đến nay đã mở rộng ra các lĩnh vực phúc lợi xã hội như điều trị y tế, giáo dục, văn hoá, cải thiện điều kiện sống, du lịch và đặc biệt là thương mại. Các tổ tư vấn nông nghiệp trong mỗi hợp tác xã làm cầu nối với các cơ quan nông nghiệp, các trạm nghiên cứu, cán bộ thú y và các nhóm nghiên cứu khoa học khác. Năm 1997, Nhật Bản có khoảng 16.869 tổ tư vấn nông nghiệp trong các HTX. Đây cũng là thị trường lớn thu hút cán bộ kỹ thuật, kỹ sư về công tác ở nông thôn.

Ở nước phát triển như Nhật Bản hiện nay, tỷ lệ dân nông thôn chỉ còn gần 5% dân số, nhưng chế độ đảm bảo số phiếu bầu theo địa bàn bầu cử (không căn cứ theo tỷ lệ dân cư) cho phép một lá phiếu nông thôn có giá trị bằng 3 lá phiếu thành thị trong bầu cử Hạ nghị viện, 6 lá phiếu với bầu cử thượng nghị viện. Vì vậy các quyết định quan trọng về đầu tư kết cấu hạ tầng, chính sách thương mại,... đều không thể coi nhẹ quyền lợi của cư dân nông thôn. Đó là lý do vì sao chính sách của quốc gia này rất cứng rắn trong những vấn đề liên quan đến tự do hoá thương mại trong nông nghiệp.

II. BÀI HỌC KINH NGHIỆM THÀNH CÔNG CỦA NHẬT BẢN

1. Đối với nông nghiệp

Kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy quá trình công nghiệp hoá được khởi đầu bằng một giai đoạn phát triển đột phá của nông nghiệp. Lịch sử phát triển ở các nước phát triển trên thế giới cũng đều cho thấy như vậy, tăng trưởng nông nghiệp luôn là yếu tố thiết yếu cho tiến trình công nghiệp hoá. Và sự thành công kỳ diệu nhất của quá trình công nghiệp hoá ở Nhật Bản chính là sự gắn kết thành công giữa công nghiệp và nông nghiệp. Trong đó công nghiệp luôn phục vụ nông nghiệp phát triển và ngược lại, nông nghiệp trở thành thị trường lớn để tích luỹ cho công nghiệp.

Thứ nhất, Nhật Bản tập trung đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật nông nghiệp với chính sách phát triển sản xuất có chọn lọc và hoàn thiện cơ cấu nông nghiệp. Để việc áp dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hoá... có hiệu quả, các viện nghiên cứu đã tăng cường liên kết với các trường đại học, các hệ thống khuyến nông, các tổ chức của nông dân để giúp nông dân tiếp cận công nghệ, trang  thiết bị tiên tiến giúp tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định.

Thứ hai, nông nghiệp giai đoạn đầu thường tăng trưởng dựa trên thành quả của cải cách ruộng đất. Quyền sở hữu ruộng đất tạo động lực và cơ hội bình đẳng cho phần lớn nông dân. Cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp, cải cách ruộng đất đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, mở rộng việc mua bán nông phẩm và tăng nhanh tích luỹ. Các ngành thực phẩm chế biến phát triển, giúp cho người dân sống ở nông thôn có thêm nhiều việc làm, thu nhập được cải thiện, do đó Nhật Bản đã tạo cho mình một thị trường nội địa đủ lớn cho hàng hoá công nghiệp tích luỹ lấy đà chuyển sang xuất khẩu. Khi sản xuất hàng hoá lớn phát triển, Nhật Bản tập trung đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển nông hộ lớn hoặc trang trại để tạo điều kiện cơ giới hoá, tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh.

Thứ ba, HTX nông nghiệp Nhật Bản có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển nông nghiệp vì đây là tổ chức được thành lập gắn liền với các hoạt động, đời sống của người nông dân với mục đích cải thiện đời sống và làm cho cuộc sống của người nông dân thêm ấm no, hạnh phúc. Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng thể chế HTX này và ban hành nhiều chính sách giúp đỡ phát triển và mở rộng nhằm thông qua đó có thể giúp người nông dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và cùng tham gia hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Thứ tư, Nhật Bản luôn có chính sách hỗ trợ kịp thời để khuyến khích phát triển nông nghiệp như: hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp các trang thiết bị, vật tư cho nông nghiệp, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, cho vay vốn tín dụng, ...

2. Đối với nông thôn

Thứ nhất, với phương châm “ly nông bất ly hương” Nhật Bản đã thực hiện thành công đưa công nghiệp về nông thôn. Nhật Bản đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng nhà máy nhằm thu hút được nhiều lao động nông nghiệp. Cùng với chính sách giữ giá nông sản cao Nhật Bản đã xoá bỏ được khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và đô thị. Đây là một thành công chưa từng có ở các nước công nghiệp hoá trước đây và hiện đây vẫn là thách thức lớn cho mọi quốc gia trong quá trình công nghiệp hoá.

Thứ hai, xây dựng các tổ chức HTX dựa trên nền tảng làng xã nông thôn, do vậy Nhật Bản đã phát huy được sức mạnh của các tổ chức cộng đồng cư dân nông thôn, lấy sức mạnh cộng đồng biến đổi tâm lý thụ động, chia rẽ, dựa dẫm của cư dân nông thôn thành tinh thần thi đua, ý thức kỷ luật, thói quen hợp tác. Từng bước giao cho HTX các chức năng xã hội, tham gia thị trường để các HTX đẩy mạnh các hoạt động mang tính cộng đồng, cải thiện cuộc sống nông thôn tốt đẹp hơn.

3. Đối với nông dân

Thứ nhất, tạo điều kiện để nông dân sản xuất giỏi có thể tích luỹ phát triển quy mô sản xuất, trở thành nông dân chuyên nghiệp sản xuất hàng hoá lớn. Thông qua tổ chức hợp tác, trang bị cho họ kỹ năng sản xuất, quản lý nông hộ, năng lực tiếp thu khoa học – công nghệ và nắm bắt thị trường thành thạo.

Thứ hai, các HTX và các HTX dịch vụ nông nghiệp là trợ thủ đắc lực, là công cụ bảo vệ quyền lợi, đào tạo nghề, giúp người nông dân có vị thế trong đời sống chính trị - xã hội. Các tổ chức HTX và nông hội của Nhật Bản hoạt động thành công do chúng được tổ chức trên cơ sở thực sự là của dân, vì dân và do dân. Với tinh thần tổ chức như vậy nên chúng tạo cho nông dân tinh thần tự chủ, tự giác của mình trong quá trình xây dựng và quản lý tổ chức.

III. MỘT SỐ GỢI MỞ CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

1. Điều kiện phát triển nông nghiệp hiện nay của Việt nam

Gần 20 năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp Việt Nam phát triển cao, GDP nông - lâm - thuỷ sản tăng trung bình trên 4%/năm. Đây cũng chính là giai đoạn tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (giai đoạn 1992-2007, trung bình GDP tăng gần 7,8%/năm), đóng góp của nông nghiệp giảm xuống còn 20% GDP; cũng giống như nhiều nước đi trước, đã xuất hiện tình trạng “coi nhẹ nông nghiệp” làm nông nghiệp tăng trưởng chậm dần. Giai đoạn 1995-2000, tốc độ tăng GDP riêng của nông nghiệp là 4%, thì giai đoạn 2000-2005 giảm xuống còn 3,7%; năm 2006 còn 2,8% và năm 2007 giảm xuống còn 2,3%.

Thời gian qua nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng nhanh, giai đoạn đầu phần lớn nhờ tăng diện tích, tăng vụ, sau đó nhờ tăng năng suất nhưng vẫn chủ yếu bằng huy động nhiều lao động, vật tư. Mức độ đóng góp của khoa học – công nghệ thấp. Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả, chất lượng nông sản thấp. Khối lượng hàng hoá xuất khẩu lớn nhưng chủ yếu là nông sản thô, giá trị gia tăng nhờ chế biến, tiếp thị thấp. Hiệu quả sản xuất thấp nên nông dân không gắn bó với nông nghiệp, sức đẩy lao động ra từ nông nghiệp khá lớn. Số lao động này thường là lao động giản đơn, và họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiếm việc làm ở đô thị và các khu công nghiệp. Thu nhập của họ không ổn định, nhiều rủi ro, cuộc sống rất bấp bênh, khoảng cách thu nhập giữa đô thị và nông thôn ngày càng lớn.

Sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả còn do phần lớn quỹ đất nông nghiệp chưa được khai thác sử dụng tốt. Hiện đất nông nghiệp đang bị chuyển nhanh sang cho công nghiệp, đô thị, và xây dựng kết cấu hạ tầng. Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp càng làm hạn chế việc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp khi mà quy mô đất canh tác tính theo đầu người ở Việt Nam vào loại thấp nhất thế giới. Mặt khác, xu hướng lao động nông thôn bỏ ruộng đồng ra đô thị làm việc ngày càng tăng dẫn đến tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoá, không được chăm sóc.

Đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp giảm từ 13,8% năm 2000 xuống còn 7,5% năm 2006. Song các chương trình đầu tư công lớn như đầu tư cho  thuỷ lợi, giao thông, cho trồng rừng, cho nghiên cứu khoa học, cho đào tạo, giáo dục, khuyến nông, quy hoạch... thực hiện chưa hiệu quả. Việc hỗ trợ, đầu tư thấp cho nông nghiệp khiến cho liên kết giữa nông nghiệp và công nghiệp rất khó khăn. Đến nay, các nhà máy chủ yếu vẫn tập trung ở đô thị, các khu công nghiệp phát triển lan nhanh tại nhiều tỉnh ven các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, lấy đi khá nhiều đất nông nghiệp màu mỡ, tưới tiêu hoàn chỉnh nhưng chưa có địa phương nào mà công nghiệp tạo đủ việc làm cho lao động nông thôn tại chỗ, tiêu thụ và chế biến nhiều nguyên liệu nông nghiệp, cung cấp đáng kể vật tư và thiết bị cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống nông thôn.

Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 56% tổng số lao động cả nước nhưng đến năm 2006, cả nước mới có 7.237 HTX nông nghiệp thu hút 5% lao động nông – lâm – ngư nghiệp. Nhìn chung, hoạt động của HTX còn khó khăn, quy mô và doanh số thấp. Hoạt động dịch vụ cho kinh tế hộ xã viên, hộ nông dân mới chủ yếu dừng lại ở dịch vụ đầu vào, một số khâu thiết yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, dịch vụ tương xứng với tiềm năng phát triển nông nghiệp trong thời gian qua. HTX chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chưa có sức hấp dẫn, thu hút xã viên và người lao động gắn bó tích cực xây dựng hợp tác xã. Đội ngũ quản lý, điều hành HTX còn nhiều bất cập do trình độ văn hoá cũng như trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi đối với một HTX hoạt động theo cơ chế thị trường. Do đó, vai trò, vị thế tiếng nói của HTX trong kinh tế - xã hội rất yếu kém.

2. Một số gợi mở chính sách cho Việt Nam

Để xử lý vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong quá trình công nghiệp hoá, tuy các bài học kinh nghiệm thành công ở Nhật Bản rất rõ ràng, song để áp dụng xử lý vấn đề tam nông ở Việt Nam sao cho có hiệu quả, xin đưa ra một số gợi mở chính sách cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, tăng cường đầu tư vào phát triển nghiên cứu có chọn lọc; tích cực chuyển giao công nghệ, đào tạo và dạy nghề cho nông dân nhằm phát huy tài nguyên con người và áp dụng khoa học – công nghệ có hiệu quả. Đây là động lực chính cho tăng trưởng nông nghiệp tương lai, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của nông sản; tăng khả năng cạnh tranh ở trong nước và ngoài nước.

Thứ hai, có chính sách bảo hộ hợp lý đối với nông sản trên cơ sở tuân thủ các quy định của WTO cùng các chính sách hỗ trợ khác. Chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp gồm 2 loại: hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu. Nông dân Việt Nam vẫn cần tiếp tục nhận được những hỗ trợ khác để giúp đỡ nông dân trong phát triển sản xuất nông sản nhằm xoá đói giảm nghèo. Nhà nước cần hỗ trợ mạnh cho các HTX, hội nông dân để giúp các tổ chức này hoạt động tốt trong vai trò cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu, đào tạo, dạy nghề, cung cấp thông tin, hỗ trợ kinh phí, điều kiện sinh hoạt, buôn bán xuất khẩu nông sản, bảo vệ lợi ích của người nông dân. Sự phát triển của các tổ chức HTX và hội nông dân giúp cho cộng đồng xã hội nông thôn phát triển hài hoà cả về kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường.

Thứ ba, hiện tích tụ ruộng đất bình quân ở Việt Nam chỉ có 0,6 ha/hộ vào loại thấp nhất thế giới, điều này dẫn đến sản xuất phân tán manh mún, năng suất không cao, không hiệu quả. Chính sách đồn điền đổi thửa cho phép xử lý vấn đề đất đai manh mún, song cần có những tác động hỗ trợ cần thiết của Chính phủ trong tiến trình này, và nên tiến hành từng bước tích tụ ruộng đất gắn với phân công lại lao động trong nông thôn, nông nghiệp trên cơ sở phát triển kinh tế hộ gia đình.

Thứ tư, kiên quyết thực hiện liên kết nông nghiệp, nông thôn với công nghiệp và đô thị nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Hoạch định rõ chiến lược phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp về thu hút lao động, chế biến nông phẩm, cung cấp vật tư, máy móc cho nông nghiệp. Điều chỉnh kế hoạch mở rộng các đô thị lớn thành xây dựng nhiều thành phố vệ tinh nhỏ nằm ở nông thôn. Cải thiện hệ thống giao thông để cư dân nông thôn và đô thị có thể di chuyển cư trú thuận lợi.

Thứ năm, làm cho người nông dân có thể tự tăng được thu nhập và có động lực ở lại nông thôn, chính phủ phải xây dựng hạ tầng cơ sở tốt, đào tạo dạy nghề tốt ở nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nhà máy ở nông thôn vì xây dựng ở nông thôn sẽ rẻ hơn đô thị. Nông thôn nếu tìm được những ngành nghề có ưu thế để phát triển (phát triển các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp sản xuất vật tư, thiết bị cho nông nghiệp và hàng tiêu dùng cho nông thôn...) sẽ hình thành nhiều đô thị. Việc này vừa giúp tăng thu nhập cho cư dân nông thôn vừa giúp giảm áp lực dân nông thôn đổ dồn vào thành thị.

 

Câu hỏi trong lớp Xem thêm