2 câu trả lời
Từ lâu, người Trung Quốc không chỉ tự hào với thủ đô hoa lệ Bắc Kinh, những Cố cung, Lăng nhà Minh, Thiên đàn – Di hòa viên cổ kính và trang nghiêm hay thành phố thương mại sầm uất Thượng Hải, mà người Trung Quốc còn rất tự hào khi nói về Vạn lý Trường Thành. Bởi nó chính là biểu tượng Trung Quốc.
Nằm trải dài trên 6 tỉnh từ Đông sang Tây của Trung Quốc, băng qua nhiều vùng sa mạc, đồng cỏ, núi non và uốn khúc như một con rồng có chiều dài tới 6.700 km.
Từ trung tâm thành phố Bắc Kinh đến Vạn Lý Trường thành chỉ dài khoảng 100 km và đi mất 2 giờ đồng hồ. Du khách sẽ được tận mắt chứng kiến một Vạn Lý Trường Thành kỳ vĩ và cuốn hút du khách.
Vạn Lý Trường Thanh bắt đầu được xây dựng từ thời Xuân Thu Chiến Quốc (420TCN – 221TCN), các nước nhỏ đã độc lập xây dựng các tường thành ở phương bắc nhằm tránh giặc Hung nô tràn xuống. Cho đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc thì ông cũng đã liên kết các tuyến phòng thủ rời rạc của các nước thành Vạn Lý Trường Thành.
Tuy nhiên, Vạn Lý Trường Thành chỉ thực sự được hoàn chỉnh là vào đời nhà Minh. Trong triều đại này, ngoài việc bảo quản 5.000 cây số tường đã xây trước đó, người ta lại xây thêm 1.000 cây số tường thành và nâng cấp Vạn Lý Trường Thành tất cả là 18 lần. Ngày nay, phần lớn những gì du khách có thể thấy được là phần tường thành do nhà Minh xây dựng.
Công trình được tiến hành trong 10 năm mới tạm hoàn thành. Dưới mưa tuyết và cái lạnh làm tuyết đóng băng ở miền bắc và khí hậu khắc nghiệt của miền tây, qua những tháng ngày lao động cực khổ trong hoàn cảnh thiểu thốn đủ mọi thứ, hàng ngàn dân đã bị vùi xác dưới chân tường thành. Theo truyền thuyết còn ghi lại rằng, chuyện nàng Mạnh Khương (vợ nho sinh Phạm Kỷ Lương) vượt qua hàng ngàn dặm đường mang áo rét cho chồng là dân phu xây đắp tường thành. Tới nơi, Phạm Kỷ Lương vì không chịu nổi cực khổ nên đã qua đời, Mạnh Khương nằm phục dưới chân tường khóc lóc thảm thiết khiến một đoạn tường thành nơi đó sụp đổ.
Thành có độ cao trung bình từ 7 đến 8 mét, rộng từ 5 đến 6,5 mét, vật liệu xây dựng chủ yếu bằng gạch vồ và đá tảng.
Thời nhà Tần, khi vũ khí còn thô sơ, vật liệu xây dựng chủ yếu là đất, sỏi và lúc này các pháo đài cũng chưa được bố trí. Đến thời Hán, đất và sỏi vẫn là vật liệu chính. Người ta sử dụng một khuôn gỗ hình viên gạch, lót lau liễu đỏ vào bên trong rồi cho vào hỗn hợp đất, sỏi nhuyễn. Khi hỗn hợp này khô, người ta lấy nó ra khỏi khuôn, tạo thành từng viên gạch. Nhưng đến giữa đời Minh, thì gạch, ngói và vôi đã xuất hiện. Đây cũng được xem là triều đại có công tu bổ tường thành lâu nhất, mất 100 năm liên tục.
Dọc theo Vạn Lý Trường Thành là các đồn canh với nhiệm vụ thông báo khi thấy có quân địch. Theo quy định, một cột khói có nghĩa là quân địch ít hơn 500 lính, 2 cụm khói là quân địch ít hơn 3.000 lính. Cứ thế đồn này truyền đồn kia báo về trung tâm
Trên đỉnh tường thành, phía ngoài có xây những tấm lá chắn hình răng lược có lỗ châu mai để quan sát và ngắm bắn. Thân tường phía trong cứ cách 200 mét lại có bậc thang lên xuống. Bộ binh và kỵ binh có thể dễ dàng tác chiến.
Để hoàn thành được một công trình vĩ đại như vậy, đã có hàng triệu người phải bỏ mạng nơi đây. Chỉ tính riêng trong thời Tần, để nối liền các bức tường riêng rẽ, người ta đã huy động tới 300.000 quân lính và phải lao động cật lực trong vòng 10 năm.
Có thể nói, Vạn Lý Trường Thành không chỉ là sự hợp thành của cửa ải, tường thành, đài thành, phong hỏa đài, là chứng nhân lịch sử hùng hồn, là biểu tượng văn hóa và sự phát triển của Trung Quốc trong suốt 2.400 năm lịch sử. Giờ đây, Vạn Lý Trường Thành đã trở thành một địa điểm du lịch kỳ thú bậc nhất trên thế giới.
Vạn Lý Trường Thành là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc liên tục được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 TCN cho tới thế kỷ 16, để bảo vệ Đế quốc Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, người Turk, và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu. Nơi đây hiện là địa điểm du lịch ăn khách của Trung Quốc.