hay ke ve ki niem sau sac nhat cua em ( viet hoi dai nhe )

2 câu trả lời

Nè bạn

Ngày ấy, nhà tôi ở ven một con suối nhỏ nước trong veo, vào những hôm trời nắng đẹp đứng trên bờ suối, tôi có thể nhìn thấu xuống tận dưới đáy, ở đó có những viên sỏi trắng tinh và cả những đàn cá trắng tung tăng bơi lội.

Hàng ngày, tôi cùng lũ bạn lại rủ nhau ra suối, đi men theo mép của con suối bắt ốc, nhặt đá trắng về để chơi đồ hàng. Và vui nhất là vào những ngày hè, chúng tôi thường trốn mẹ ra suối tắm. Thực ra con suối nhỏ nhưng có những đoạn rất sâu có thể ngập đầu người lớn. Và ở trên đó là chiếc cầu của nhà dân bắc qua để lấy lối đi vào nhà.

Như thường lệ, buổi trưa ấy, chờ cho mẹ ngủ say tôi liền chạy sang nhà mấy thằng bạn học cùng lớp rủ chúng ra chỗ cầu nhà ông Quân (chúng tôi thường đặt tên những chiếc cầu bằng chính tên nhà chủ đó). Buổi trưa trời nắng nóng như lửa đốt, được đắm mình trong dòng nước mát thì còn gì bằng. Bởi vậy nên vừa nghe tiếng huýt sáo báo hiệu quen thuộc của tôi, mấy thằng cũng vội vã lách cửa sau, nhanh chóng ra chỗ hẹn.

Vừa ra khỏi nhà, cả lũ chúng tôi chạy thật nhanh vì sợ cha mẹ phát hiện ra, bởi chúng tôi đều biết rằng nếu bị bại lộ chắc chắn đứa nào đứa nấy sẽ no đòn.

Năm phút sau, cây cầu và dòng nước mát đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Tôi có ý kiến hôm nay sẽ không bơi bình thường như mọi khi nữa mà thi nhảy xa, tức là đứng trên cầu nhảy xuống, ai nhảy xa nhất sẽ là người thắng cuộc. ì oàm một hồi lâu đã chán, chúng tôi trèo lên một mỏm đá nằm nghỉ ngơi ngắm mây trời. Lúc này, Thắng - thằng cha gan lì cóc tía nhất lên tiếng:

- Tớ nghĩ ra trò mới nữa rồi.

- Trò gì vậy?

Cả lũ nhao nhao lên tiếng hỏi.

- Chơi lặn, đứa nào lặn được lâu nhất tuần sau đi học sẽ không phải đeo cặp.

Cả lũ reo hò hưởng ứng nhiệt liệt. Trở lại chỗ chơi cũ, tôi nói:

- Bây giờ sẽ thi lần lượt từng đứa một, những đứa còn lại đứng trên bờ theo dõi bấm giờ.

Và tôi phân công luôn vì Thắng là người đầu têu nên sẽ là người thử sức đầu tiên, cả bọn vỗ tay hưởng ứng. Quả thật trong nhóm Thắng luôn tỏ ra đàn anh hơn cả, hắn không những học giỏi mà mọi trò chơi hắn cũng chẳng bao giờ chịu thua ai.

Thắng chuẩn bị tinh thần xong, tôi hô:

-Một. Hai. Ba. Bắt đầu!

Ùm!... Thắng đã nhảy khỏi cây cầu mất tăm trong dòng nước. Lũ chúng tôi reo hò tán thưởng và bắt đầu bấm giờ: 1,2, 3, phút trôi qua sang phút qua vẫn chưa thấy Thắng nổi lên. Chúng tôi trầm trồ khen ngợi sự tài ba của Thắng. Sang đến phút thứ 4, tôi bỗng cảm thấy nóng ruột bởi bình thường nhiều lắm thì chỉ đến phút thứ ba là chúng tôi đã chẳng thể nào chịu nổi.

Thế mà đến giờ vẫn chưa thấy Thắng, mấy đứa kia cũng bắt đầu lo lắng, chỉ trong nháy mắt chẳng kịp bảo nhau câu nào mấy đứa bơi giỏi liền nhảy xuống, vừa lúc đó chúng tôi đã thấy Thắng trồi lên, khuôn mặt tái nhợt, thở lấy thở để, chúng tôi vội vàng dìu Thắng vào bờ. Người Thắng lúc này đã gần như lả đi. Phải mười phút sau Thắng mới lên tiếng:

- Chỉ cần một tích tắc nữa thôi là tao đi chầu thuỷ thần chúng mày ạ.

- Sao vậy, mọi ngày mày bơi, lặn giỏi lắm cơ mà.

- Ừ, thì tao vẫn tự tin như vậy, nhưng đúng lúc sắp chịu không nổi định trồi lên thì tao bị vướng vào chùm rễ cây mọc lan từ rừng ra cuốn chặt vào chân, tao cứ định trồi lên thì nó lại kéo tao xuống, may quá đúng lúc nghĩ rằng chết thật rồi thì bỗng dưng chân tao lại giật ra được và cố sức ngoi lên.

Nghe tiếng Thắng hổn hển kể, chúng tôi đứa nào đứa nấy đều khiếp sợ. Chờ cho Thắng đỡ mệt chúng tôi mới dám về nhà và câu chuyện này vẫn mãi là bí mật của lũ chúng tôi.

Và đó là kỉ niệm sâu sắc nhất mà tôi nhớ mãi đấy các bạn ạ

Một trong những điều tôi cảm thấy mình may mắn trong cuộc đời là có gia đình tôi yêu thương và yêu thương tôi. Nơi đó có bố mẹ, anh em và có cả người bà luôn chăm sóc và nuôi dưỡng để tôi trưởng thành như ngày hôm nay. Mỗi ký ức với bà đều là một mảnh ghép đáng trân quý và tự nhiên trở nên vô cùng sâu sắc trong trái tim đó. Tôi nhớ về lần bà đã truyền dạy cho tôi những tình cảm cao đẹp mà tôi luôn mang theo trên mọi hành trình.

Bà tôi thuở nhỏ đã được cha mình dạy chữ, cho đọc sách nên bà rất tinh thông và am hiểu văn chương. Trong những năm tham gia kháng chiến, bà vẫn sáng tác thơ ca, những bài thơ tuổi mười tám mãi sau này bà mới đọc cho con cháu nghe. Những năm sau này, bà cũng trở về nơi bục giảng của ngôi trường làng đơn sơ để làm cô giáo dạy văn. Bởi vậy, bà là một người chữ nghĩa, sâu sắc nên bố mẹ rất tin tưởng để anh em tôi lớn lên trong sự dạy dỗ của bà.

Khi tôi lên lớp ba, lúc đó đọc chữ đã thành thạo, bà bảo tôi học thuộc một vài bài thơ. Lúc đầu tôi rất chăm chỉ học nhưng cho đến khi học truyện Kiều thì tôi chỉ muốn vất quyển sách đi mà vơ lấy đống truyện tranh. Đỉnh điểm là khi tôi nói trong giận dỗi với bà:

Tại sao con phải học thuộc mấy cái này? Học để làm gì chứ?

Rồi tôi bỏ vào phòng, trùm chăn kín mít rồi thiếp vào giấc ngủ. Tối hôm đó, tôi không xuống ăn cơm với cả nhà mà xem hết phim này đến phim khác. Đến 9 giờ tối, có tiếng gõ cửa phòng, đi kèm với đó là giọng nói nhỏ nhẹ:

Bống, bà vào được không?

Tôi miễn cưỡng chạy ra mở cửa. Bà đón tôi bằng một nụ cười ấm áp, hiền dịu làm nỗi giận trong tôi cũng nguôi bớt đi. Bà mang vào cho tôi một ly sữa, ân cần đưa cho tôi:

Cháu chưa ăn tối nên uống tạm đi. Cháu đang xem phim đấy hả?

Tôi chỉ gật nhẹ rồi cầm lấy ly sữa rồi uống liền một hơi bởi vì tôi cũng hơi đói. Bà tắt ti vi đây rồi quay qua nói chuyện với tôi. Bà đọc Kiều cho tôi nghe. Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên vì bà có thể thuộc vanh vách, không vấp váp một chỗ nào. Sau đó, bà bảo tôi:

Cha bà, tức cụ của cháu cũng bắt bà học Kiều khi bà còn rất nhỏ. Cháu biết tại sao vậy không?

Tôi lắc đầu. Bà xoa đầu tôi:

Bởi vì, truyện Kiều là một phần không thể thiếu của con người Việt Nam. Nó không chỉ là những câu thơ mà còn là nét đẹp của đất nước mình. Người hiểu truyện Kiều sẽ biết sống chừng mực, đạo lý. Mà muốn hiểu trước hết phải thuộc!

Tôi thắc mắc:

Nó có giá trị như thế sao ạ?

Ừ, cháu ạ! Sau này cháu dần dần sẽ hiểu ý nghĩa của nó. Còn giờ, cháu cứ chăm chỉ học thuộc cho bà, được không?

Mặc dù vẫn chưa thỏa mãn với lời giải thích của bà lắm nhưng vì sự chân thành của bà, tôi đồng ý.

Nhưng sự thực thì, chính nhờ bà, nhờ câu chuyện đó mà tôi đã tìm thấy tình yêu văn chương, yêu tiếng Việt và yêu những cuốn sách. Và giờ đây học lớp 9, khi tiếp xúc lại với truyện Kiều tôi càng thấm thía lời bà hơn.

Giờ đây, bà cũng đã già yếu, cũng không còn minh mẫn để đọc thơ hay giảng giải mọi điều cho tôi nghe. Ngược lại, mỗi chiều, đứa cháu nhỏ này sẽ lại đọc Kiều hay ngâm đôi câu thơ cho người bà yêu quý của mình.

Mỗi người sẽ có những kỉ niệm sâu sắc với người thân thương của mình theo cách cảm nhận của bạn. Với tôi, những điều giản dị thường ngày cũng đã quá đỗi thiêng liêng.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm