Hãy chọn một bài ca dao mà em thích nói về nói thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa để phân tích nghệ thuật nội dung và nêu cảm nghĩ của em về bài ca dao đó 2 trang
2 câu trả lời
Trong kho tàng ca dao – dân ca Việt Nam, có rất nhiều chủ đề: ca dao về tình yêu quê hương đất nước, ca dao về tình yêu gia đình, ca dao châm biếm,… Nhưng chùm ca dao than thân được đánh giá là có số lượng lớn, tiêu biểu, thể hiện được tâm tư, tình cảm của con người trong xã hội xưa, đặc biệt là người phụ nữ. Đó là lời nói tự đáy lòng họ, thể hiện nỗi đau, sự căm phẫn:
Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Ai ơi nếm thử mà xem
Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi
Bài ca dao được mở đầu bằng mô típ quen thuộc trong ca dao – dân ca: “thân em”. Đây là lời tự nhận đầy xót xa của người phụ nữ: Thân em như củ ấu gai. Củ ấy là loại củ mọc ở dưới nước, đến khi già thì rụng và vùi xuống bùn, nó màu đen, có vẻ ngoài xù xì, xấu xí. Người phụ nữ tự ví mình như “củ ấu gai” cũng rất hợp lí. Vì trong cuộc sống, họ là những người mặc dù chân yếu tay mềm nhưng rất vất vả, lam lũ, không quản nắng mưa làm lụng, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, dầm mưa dãi nắng. Vì vậy, hình dáng, khuôn mặt họ trở nên đen đúa vì nắng vì gió. Hình dáng của củ ấu gai phản ánh đúng hiện thực lam lũ của người phụ nữ trong xã hội xưa. Đây là một tiếng than chua xót cho thân phận người phụ nữ.
Vẻ ngoài thì thế, hình dáng là thế. Nhưng chúng ta hãy xem, bên ngoài cái vỏ xấu xí, đen đúa của của ấu, bên trong là gì? Bên trong nó cái ruột ấu, vừa trắng vừa bùi, ăn vào rất ngon. Đúng với nội dung của câu ca thứ hai. Nếu ai được thưởng thức củ ấu sẽ không thể nào quên cái vị bùi bùi, ngòn ngọt ấy. Mặc dù nếu nhìn ở ngoài thì sẽ không ai muốn ăn, nhưng ăn vào lại rất ngon. Biện pháp nghệ thuật đối lập trắng và đen đã làm nổi bật được phẩm chất của người phụ nữ. Họ, cũng như củ ấu, dù bên ngoài có xấu xí như thế nào, nhưng tấm lòng, phẩm chất thì luôn luôn tốt đẹp, trong sáng cũng như ruột ấu vậy. Như vậy, qua đây, tác giả dân gian muốn khẳng định phẩm giá thủy chung, son sắt, trong trắng của người phụ nữ Việt Nam. Sau này, trong thơ Hồ Xuân Hương, cũng có viết:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Câu ca tiếp theo là một lời mời gọi: Ai ơi nếm thử mà xem. Có thể coi đây là một lời mời rất táo bạo, rất thiết tha. Đại từ phiếm chỉ ai ơi, cùng động từ nếm đã bộc bạch được nỗi lòng của người phụ nữ. Họ đã phải tự đứng ra để mời gọi, để quảng bá mình, khác hẳn với cái thùy mị, nết na vốn có, ắt hẳn người phụ nữ ấy đã phải chịu nhiều bất công ngang trái thì mới có thể làm được điều đó. Củ ấy bề ngoài là thế, nếm vào mới biết vị ngọt bùi. Người phụ nữ cũng vậy, phải tiếp xúc, gần gũi, thì mới thấu hiểu được tấm lòng thủy chung, son sắt, trắng trong của người phụ nữ: Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.
Câu ca cuối đã một lần nữa khẳng định lại phẩm giá ấy của họ. Thế nhưng, xã hội phong kiến bất công, ngang trái đã đẩy đưa số phận người phụ nữ, khiến họ cơ cực, khó khăn; khiến họ bị chà đạp, bị ruồng rẫy,… Lời ca vừa khẳng định phẩm giá, vừa lên tiếng khóc than, tố cáo xã hội, tố cáo hiện thực đầy bất công đó. Giọng thơ đi từ ngậm ngùi, xót xa, đến đầy tự tin có một chút gì đó thách thức đã khẳng định được con người, phẩm giá của người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ mãi là đóa hoa đẹp, cần được nâng niu, trân trọng.
Những bài ca dao than thân khép lại, luôn để lại trong lòng người đọc những day dứt, những xót xa, những dằn vặt suy nghĩ về thân phận cái kiến, con tằm của họ. Ước gì, trong xã hội xưa, phụ nữ không phải sống một cuộc sống vất vả, gian truân như thế!
** Em tham khảo dàn ý và bài viết tham khảo **
* Dàn ý
A. Mở bài
- Giới thiệu về ca dao
- Giới thiệu bài ca dao
B. Thân bài
1. Phân tích câu ca dao
- Cách mở đầu bài ca dao bằng cụm từ "Thân em" là cách mở đầu quen thuộc trong chùm ca dao than thân của người phụ nữ trong xã hội xưa "Thân em như trái bần trôi..", " Thân em như giếng giữa đàng"
- Họ là những người bị coi thường, bị rẻ rúng, họ phải hạ thấp mình trước những hủ tục của xã hội xưa mà không được cất tiếng đòi quyền lợi của chính mình.
- Hình ảnh so sánh "như trái bần trôi" là một hình ảnh so sánh giàu ý nghĩa
- Cây bần thường mọc ven bờ. Trái già rụng xuống, sẽ bập bềnh nổi trôi theo sóng. Trái bần trôi nổi theo sóng.
- Qua hình ảnh trái bần thấy được hoàn cảnh éo le, không được làm chủ bản thân của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
- Câu hỏi tu từ gợi ra thân phận long đong, vô định không có nơi chốn dung thân giống như hình ảnh " trái bần trôi" " gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu".
- Câu hỏi cất lên như một tiếng kêu than da diết bi ai, ấy vậy mà không một ai có thể cứu giúp
- Người phụ nữ không còn quyền tự quyết định hạnh phúc của đời mình, trở thành kẻ thụ động lệ thuộc và người khác mà không hề biết mình sẽ đi đâu vê đâu
- Họ không thể quyết định được cuộc đời của mình không phải vì họ là người vô trách nhiệm với chính cuộc đời mình hay không có khát khao được giải phóng mà chính những hủ tục, những sự coi thường rẻ rúng của xã hội đương thời đã đẩy họ vào tình cảnh đó
2. Ý nghĩa thông điệp của bài ca dao
- Bày tỏ sự thương xót đối với thân phận bị rẻ rúng, lên thuộc không thể tự quyết định đời mình của họ
- Phê phán xã hội đương thời với những hủ tục trọng nam khinh nữ, coi thường, chà đạp người phụ nữ, cướp mất quyền làm chủ cuộc sống của những người phụ nữ
- Cất tiếng kêu than, kêu gọi những người phụ nữ đứng lên giành lại quyền lợi của chính mình, để rồi sau đó, ta thấy những nữ sĩ mạnh mẽ dũng cảm và đầy tài hoa như Hồ Xuân Hương cất lên tiếng thơ đòi quyền lợi cho người phụ nữ trong xã hội cũ
C. Kết bài
- Nêu cảm nhận của bản thân.
* Bài viết tham khảo
Xã hội phong kiến bất công như chiếc cùm gông giam cầm cuộc đời và số phận của người phụ nữ, tước đi quyền sống, quyền làm chủ, quyền hạnh phúc của họ. Đau đớn, xót thương tủi phận nhưng không biết tỏ bày cùng ai, người phụ nữ chỉ biết gửi gắm vào những câu ca, lời hát than thân, trách phận.
"Thân em như trái bần trôi,
Gió đạp sóng dồi biết tấp vào đâu?”
Bài ca dao trên là câu hát nỉ non được cất lên từ mảnh đời nhỏ bé, tội nghiệp của người phụ nữ bất hạnh. Với hình ảnh so sánh đặc biệt câu ca đã phản ánh sâu sắc số phận cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Bài ca dao mở đầu bằng mô típ quen thuộc “thân em”. Hai tiếng “thân em” thốt lên gợi cảm giác mềm mỏng, yếu đuối, rụt rè, khiêm nhường. Người phụ nữ nhỏ bé đang tự than cho chính số phận mình.
“Thân em” được so sánh với “trái bần trôi”, đây là loại quả dại mọc ở ven sông vùng Nam bộ. Đặc trưng của trái bần mang nhiều nét tương đồng với cuộc đời và thân phận của người phụ nữ. Trái bần có vị vừa chua, vừa chát giống với cuộc đời hẩm hiu, chát chứa, đắng cay của người phụ nữ. Khi già, những trái bần ấy rụng xuống sông ngòi, bập bềnh theo sóng, lênh đênh vô định giống như cuộc đời chìm nổi không phương hướng của những người phụ nữ. Ngay cả tên gọi của nó đã khiến ta liên tưởng đến sự bần hàn, túng thiếu, khổ sở. Trong ca dao than thân, hơn một lần ta thổn thức chứng kiến người phụ nữ xé lòng đau đớn, đem thân phận của mình gắn với ấy những vật tầm thường, nhỏ nhoi để than, để trách: Thân em như giếng giữa đàng, thân em như quả cau khô, thân em như củ ấu gai,...Hình ảnh so sánh gợi hình đặc sắc ấy đã nói lên thân phận nhỏ bé, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Trái bần tự thân nó đã nhỏ bé, thấp hèn, cũng như số phận của người phụ nữ vốn dĩ đã mong manh, yếu đuối. Rồi sẽ ra sao đây khi những dòng đời nhỏ bé ấy bị xô ngã bởi gió dập, sóng dồn? “Gió đạp sóng dồn biết tấp vào đâu?”
Câu hỏi từ như một lời than thân trách phận đầy đau đớn, não nề, bất lực của người phụ nữ không được làm chủ cuộc đời của chính mình. Nếu như trái bần nổi lênh, dập dềnh trước bão tố, sóng gió của dòng sông vô định thì người phụ nữ cũng bấp bênh, trôi nổi, mất phương hướng trong cuộc đời của chính mình. Câu hỏi cũng là nỗi băn khoăn từ ngàn đời của người phụ nữ mà không bao giờ có tiếng vọng hồi đáp. Lễ giáo phong kiến trọng nam khinh nữ, quan niệm Nho giáo tam tòng tứ đức khắc nghiệt đã trói chặt quyền sống và quyền hạnh phúc của người phụ nữ, họ chấp nhận và tuân theo như một định mệnh. Bài ca dao không chỉ là tiếng nói cảm thông, chua xót của nhân dân đối với thân phận nhỏ bé, hẩm hiu, lênh đênh, trôi nổi của người phụ nữ mà còn là lời lên án, tố cáo đanh thép đối với những thế lực tước đoạt quyền sống, quyền tự do, quyền hạnh phúc của con người.
Với hình ảnh so sánh đặc sắc “trái bần trôi” đã khắc họa rõ nét cuộc đời nhỏ bé, tội nghiệp, lênh đênh, vô định của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Thân phận của người phụ nữ trở thành mạch nguồn xuyên suốt dòng chảy văn học. Từ ca dao than thân đến văn học trung đại, các tác giả vẫn luôn quan tâm đến thân phận của người phụ nữ như “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều của Nguyễn Du,...