Em hãy miêu tả một cảnh đẹp thiên nhiên mà em có dịp quan sát

1 câu trả lời

I. Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu về cảnh đẹp em đã gặp trong những tháng nghỉ hè:

  • Đó là cảnh đẹp gì?
  • Em được nhìn thấy ở đâu?
  • Tại sao em ấn tượng với cảnh đẹp đó?

2. Thân bài

Tả cảnh đẹp mà em nhắc đến ở phần mở bài

Đoạn 1: Tả bao quát 

- Nếu đó là một danh lam thắng cảnh thì giới thiệu sơ qua về vị trí địa lí của cảnh đẹp đó, lịch sử của cảnh đẹp đó.

- Nếu đó là cảnh đẹp ở quê hương em thì miêu tả bao quát toàn bộ cảnh đẹp.

Đoạn 2: Tả chi tiết

- Tả những sự vật em thấy trong khung cảnh đó: con người, cây cối, núi rừng, chim chóc

- Tả hoạt động của con người và sự chuyển động của sự vật: 

  • Con người đang làm những gì? Trạng thái cảm xúc của họ vui vẻ hay mệt nhọc, buồn bã
  • Tiếng hót của chim chóc, sự chuyển động của mây trời, âm thanh của thác nước....

- Tả màu sắc hoặc tả những hình ảnh em thấy ấn tượng và thú vị

- Hoạt động và cảm xúc của em khi em được chứng kiến cảnh đẹp đó: vui, choáng ngợp hay không ấn tượng....

3. Kết bài

- Tình cảm, cảm xúc của em khi đứng trước cảnh đẹp đó. Sau kì nghỉ hè, em có thấy lưu luyến với cảnh đẹp đó không? Em có ý định tới thăm cảnh đẹp đó thêm một lần nữa không? 

- Liên hệ với ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và giữ gìn những cảnh đẹp hay những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của đất nước.

II. Bài văn

Bài làm

"Quê hương em biết bao tươi đẹp

Đồng lúa xanh núi rừng ngàn cây"

   Những lời hát trong bài hát dân ca "Quê hương tươi đẹp" đã cho thấy niềm tự hào của các bạn nhỏ đối với những cảnh đẹp của quê hương, đất nước Việt Nam thân yêu. Mỗi người dân sống trên dải đất hình chữ S chắc hẳn vẫn luôn cảm thấy hãnh diện trước những danh lam, thắng cảnh của đất nước - nơi thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài - khiến cho Việt Nam vươn xa hơn ra Thế giới. Tôi cũng đã có dịp được đến thăm một trong những danh lam thắng cảnh đấy. Đó là Hồ Gươm - biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Tôi cùng bố mẹ đã tới đó trong kì nghỉ hè vừa rồi.

   Hồ Gươm hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm, trước kia có tên là hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng nhưng sau đó người ta đổi tên theo sự tích vua Lê Thái Tổ trả gươm. Từ đó cho đến nay, người ta đã quen với tên gọi này, và vì hồ nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội, mọi sinh hoạt, buôn bán của người dân đều ở xung quanh đây nên nó đã trở thành một biểu tượng của Việt Nam từ lúc nào không hay.

   Tôi tới thăm danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất ở Hà Nội trong một buổi sáng mùa hè nóng bức và oi ả. Mặt trời từ từ nhô lên, tỏa những tia nắng rực rỡ đầu tiên xuống mặt hồ như được dát vàng. Hồ Gươm mà tôi thấy chỉ là một hồ tương đối nhỏ, cho nên việc thăm thú là hết sức dễ dàng, không làm mất quá nhiều sức lực bởi đi bộ của người đến tham quan. Những tia nắng chiếu xuống mặt hồ, len lỏi qua từng kẻ lá, chiếu cả vào mặt tôi khiến cho tôi cảm nhận được một buổi sáng tràn đầy sức sống đã bắt đầu. Nắng vào sáng sớm chưa đến mức chói chang và gắt như buổi trưa, nên gia đình tôi có thể thoải mái đi dạo dưới cái nắng ấy.

   Đi dạo xung quanh hồ, tôi thấy hồ như một tấm gương bầu dục khổng lồ, đang phản chiếu cả bầu trời trên mặt nước. Xung quanh tấm gương ấy là những hàng liễu rủ cành lá của mình xuống mặt hồ, thướt tha, yểu điệu như một cô gái đôi mươi đang chải tóc. Gần sát những hàng liễu là một biển màu đỏ có ghi: "Cấm xả rác xuống hồ". Biển cấm này khiến cho những người dân cũng như khách du lịch phải có ý thức hơn trong việc bảo vệ cảnh quan tươi đẹp của đất nước. Điểm đáng chú ý nhất có lẽ là ở giữa hồ. Tôi thấy một chiếc tháp Rùa cổ kính, đầy rêu phong, in hằn dấu vết của thời gian - cái mà tôi vốn chỉ được nhìn qua sách vở. Tháp rùa mới đẹp làm sao! Đó hẳn là lí do mà những vị khách nước ngoài quyết định đặt chân tới thăm thủ đô Hà Nội yêu dấu của tôi. Trên những con phố dọc theo hồ, ta còn thấy đủ cả những hàng quán: nào phở, nào bún, bánh mỳ.... toàn là những đặc sản không thể thiếu ở nơi đây. Nó tạo nên nét đặc sắc riêng của ẩm thực Hà Nội và của cả Việt Nam nói chung. Ngoài ra, họ cũng bán rất nhiều món quà lưu niệm như thiệp giấy, tượng, nón lá... để ai có dịp nghé thăm thủ đô có thể mua một chút về làm quà tặng người thân.

   Đi dạo được một lúc, tôi thấy phía xa xa là hình ảnh của Đền Ngọc Sơn - chứng nhân lịch sử - cùng với đó là chiếc cầu Thê Húc cong cong như con tôm, làm lối dẫn vào thăm đền. Không thể ngăn được niềm hứng thú, tôi cùng bố mẹ rảo bước thật nhanh, đến mua vé để được vào thăm quan. Theo như những gì tôi tìm hiểu thì ngôi đền này nằm ở phía Bắc hồ, ngày xưa có tên là Tượng Nhĩ, khi rời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đặt tên là Ngọc Tượng. Đến thời nhà Trần thì đổi thành Ngọc Sơn - cũng chính là tên gọi hiện tại của ngôi đền này. Được thăm Đền Ngọc Sơn, ngắm tháp Rùa cổ kính và đi dạo quanh hồ Gươm, tôi cảm thấy mình như một người con thực thụ của đất mẹ. Tôi thấy tự hào và yêu thêm cảnh đẹp nước non mình. Chắc hẳn không chỉ mình tôi mà bất cứ ai cũng cảm thấy như vậy trước một cảnh đẹp của quê hương.

   Nhưng nếu tới thăm hồ Gươm mà không được nhìn thấy Bưu điện Hà Nội với chiếc đồng hồ ngân nga điểm giờ trên nóc thì thật là thiếu sót. Tôi gọi đây là "Chiếc đồng hồ thế kỉ" bởi nó không chỉ đếm giờ, mà còn đếm cả những dấu mốc của lịch sử. Thỉnh thoảng, tôi thấy khi chạy ngang qua tôi, các cô, chú đi tập thể dục buổi sáng cũng lại ngước lên nhìn chiếc đồng hồ này một lúc, để nhận biết được thời gian mà trở về nhà cho kịp bữa ăn sáng. Mọi người bước đi hối hả, vội vàng nhưng khuôn mặt của họ vẫn rất tươi tắn, rạng rỡ chào đón một ngày mới làm việc tích cực và hiệu quả. Tôi nghe những vị khách nước ngoài bảo rằng, họ bị ấn tượng bởi sự mến khách và thân thiện của người dân nơi đây.

   Cả gia đình tôi khép lại chuyến đi này bằng một bữa trưa ngon miệng sau cả một buổi sáng thăm quan, chụp ảnh lưu niệm với danh lam thắng cảnh của Thủ đô. Đối với tôi, đây là một chuyến đi rất ý nghĩa trong dịp nghỉ hè. Nếu có cơ hội được đến thăm nơi này một lần nữa, tôi chắc chắn sẽ rủ những người bạn của mình đi cùng và không quên nhắc nhở họ: "Hãy là một người khách du lịch văn minh, phải biết bảo vệ cảnh quan và khuôn viên xung quanh Hồ!"