2 câu trả lời
Đề bài: Biểu cảm bài “Bạn đến chơi nhà”
Bài làm
Thời gian vẫn tuần hoàn theo 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, con người vẫn đổi thay theo
quy luật của cuộc đời. Nhưng chỉ có những vần thơ là tồn tại mãi với thời gian và bài
thơ “Bạn đến chơi nhà” của tác giả Nguyễn Khuyến là một trong những bài thơ như
vậy:
“ Đã bấy lâu nay bác tới nhà.
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.”
Bài thơ trên được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật nhưng không viết theo bố cuc: Đề- thực- luận- kết. Ở đây Nguyễn Khuyến chỉ sử dụng câu thơ thứ nhất làm tiêu đề, còn câu thứ hai chuyển sang phần thực. Phần thực và phần luận không có ranh giới rõ ràng. Chỉ có câu 8 là câu kết. Điều đó đã tạo nên sự phá cách, nét độc đáo riêng của bài thơ. Nguyễn Khuyến đã viết bài thơ này theo trong thời gian về ở ẩn ở quê nhà Yên Đổ được viết bằng chữ Nôm đã cho người đọc thấy một tâm hồn tươi đẹp; một tình bằng hữu tâm giao, chân tình; một tình bạn thắm thiết, đậm đà.
Ngay từ câu thơ mở đầu, tác giả đã nói về hoàn cảnh người bạn đến chơi nhà. Đó chính là một người bạn ở phương xa đã lâu không được gặp gỡ nhưng đã nhớ và đến thăm nhà thơ. Chính điều đó, Nguyễn Khuyến đã bộc lộ được tâm trạng vui tươi, phấn khởi khi gặp lại người bạn của mình: “Đã bấy lâu nay bác tới nhà” đại từ xưng hô “bác” gọi lên tình cảm thân mật, thắm thiết; cách xưng hô gần gũi mà còn đầy thành kính. Nó như một lời chào hỏi mừng rỡ của chủ nhân trước một người bạn già đến thăm đã xa cách lâu ngày. Đằng sau lời chào hỏi ấy, người đọc như cảm nhận được những giọt lệ xúc động ở đôi mắt của người bạn già. Cụm từ “Đã bấy lâu nay” cho người đọc cảm nhận được khoảng thời gian xa cách của đôi bạn và là từ rất lâu rồi. Dù cuộc sống có khó khăn, bộn bề là thế nhưng người bạn kia vẫn thu xếp công việc để đến thăm Nguyễn Khuyến; ta lại càng cảm nhận được một tình bạn trong sáng, tha thiết; càng cảm thấy được sự vui mừng hân hoan xen lẫn xúc động trên gương mặt của nhà thơ.
Để nối tiếp sự vui mừng, khôn xiết ấy,tác giả đã dựng lên một tình huống éo le:
“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.”
Nhà thơ dãi bày mong muốn tiếp đãi bạn một bữa ngon lành nhưng lại bất ngờ khi trẻ đi vắng còn chợ thì ở xa. Rượu ngon không có, thịt lại càng không nên tác giả đành quay về với cây nhà lá vườn. Liên tiếp trong 5 câu thơ trên, Nguyễn Khuyến đã sử dụng biện pháp liệt kê các con vật nuôi, cây trái trong nhà như: “Ao cá”; “cà”; “cải”; “bầu”; “mướp”. Điều này càng thấy được sự nhiệt tình nồng hậu của nhà thơ với người bạn tâm giao. Đến đây, người đọc càng cảm nhận được một lối sống thanh cao dân dã đến bình dị của một vị quan sau khi về ở ẩn ở quê nhà. Những món ăn tưởng chừng như cao sang ấy lại rất bình dị, gần gũi khiến cho người đọc cảm nhận được cuộc sống yên bình biết nhường nào. Ngoài biện pháp nghệ thuật liệt kê tác giả còn sử dụng nghệ thuật đối, đối lập cái có và cái không có. Trong hoàn cảnh lúc đó của nhà thơ có vườn, có cá, có bầu, có mướp nhưng tất cả lại chưa đến ngày thu hoạch. Nghệ thuật đối lập cùng với liêm luật chặt chẽ, cách gieo vần “a” được diễn đạt khéo léo giúp ta thấu hiểu được sự chân tình của người bạn cũ. Sẵn lòng mời bạn ở xa đến thăm tạo ra một hoàn cảnh trớ trêu là không có đủ được để tiếp đãi bạn. Nhịp thơ 4/3 cùng với giọng điệu vui tươi, hóm hỉnh của tác giả khiến cho câu thơ càng uyển chuyển, mềm mại dễ đi vào lòng người và gợi ra khung cảnh bình dị ở chốn thôn quê.
Sự hóm hỉnh của tác giả lại tiếp tục xảy ra khi nhắc đến hình ảnh “miếng trầu”: “Đầu trò tiếp khách, trầu không có”. Miếng trầu là đầu câu chuyện, nó được coi là phép lịch sự tối thiểu khi khách đến nhà, cũng làm món tiếp khách truyền thống của dân tộc ta, vậy mà Nguyễn Khuyến cũng không có để tiếp đãi bạn. Cách nói phóng đại của nhà thơ càng nhấn mạnh sự nghèo khó của mình- 1 vị quan về quê ở ẩn. Đồng thời ông còn muốn nói lên một thứ cao quý và thiêng liêng hơn tất cả, đó là tình bạn chân thành, thắm thiết và đậm đà.
Từ những cái không có đó để rồi nhà thơ hạ một câu kết: “Bác đến chơi đây ta với ta”. Từ “bác” lại xuất hiện một lần nữa ở cuối bài, ta còn thấy được tình bạn giữa những người tri kỷ dường như không có khoảng cách, không cần mâm cao cỗ đầy, không cần miếng trầu chén rượn mà chỉ đơn giản là hai tâm hồn đồng điệu“ta với ta”. Cụm từ “ta với ta” được tác giả sử dụng rất thành công. Nếu ở bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan cụm từ “ta với ta” chỉ một mình mình đối diện với chính mình, cô đơn, lẻ loi không ai chia sẻ diễn tả tâm trạng nhớ quê nhà da diết của người lữ khách ở đèo Ngang thì trong bài “Bạn Đến Chơi Nhà” của Nguyễn Khuyến cụm từ ấy lại chỉ cách gọi thân mật giữa chủ và khách, một tình bạn hòa quyện gắn kết mà không vật chất nào có thể thay thế được. Ôi! Liệu cái gì có thể quý hóa hơn bằng thứ tình cảm thiêng liêng đó.
Bài thơ Bạn Đến Chơi Nhà của Nguyễn Khuyến được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú đường luật, niêm luật bằng trắc, đối chặt chẽ, hợp cách.
Bài thơ khép lại với một ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Đến đây, chúng em càng trân trọng, thêm quý, thêm yêu các vần thơ của Nguyễn Khuyến và bài thơ “Bạn Đến Chơi Nhà” giống như một đóa hoa ca ngợi tình bạn. Chính vì vậy, đến tận bây giờ, người đọc vẫn ấn tượng với bài thơ này.
Nguyễn Khuyến nằm trong số những con người có tình bạn đẹp, trong sáng, giản dị thể hiện rất rõ trong bài thơ Bạn đến chơi nhà.
Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng. chợ thời xa
Bạn đến chơi nhà hoàn cảnh thật thất trớ trêu khi người trẻ tuổi trong nhà đều đã đi vắng, chợ thì lại xa, những lí do khách quan khiến tác giả không thể đãi người bạn của mình những đồ ăn ngon.
Không đi ra ngoài tác giả nhìn vào khu vườn nhà mình nhưng thật không may ao thì có cá nhưng nước lại sâu, gà thì không nhốt mà thả ra vườn, việc bắt lại là gần như không thể. Tác giả thật lòng muốn đãi người bạn những thứ ngon nhưng tất cả đều không thể thực hiện thành công.
Tác giả tiếp tục tìm kiếm đồ ăn để đãi bạn nhưng thất vọng vì cải vừa ra hoa, cà còn nụ, bầu chỉ vừa rụng rốn, mướp thì lại đang ra hoa. Không thịt cá, rau cũng không có, tác giả buồn vì không có cách nào đãi người bạn một cách tử tế nhưng biết làm sao được khi ông không có khả năng đó.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây, ta với ta
Ngay cả “miếng trầu là đầu câu chuyện” tác giả cũng không có nốt, nhưng trong cảnh nghặt nghèo đó chỉ một câu thơ cuối thôi đã đủ làm làm sáng lên tình bạn trong sáng, giản dị của tác giả. Hai tâm hồn như hòa làm một đâu cần những thứ vật chất tầm thường đó, với ông tình bạn bè cao quý và tri kỷ mới thực sự quan trọng nhất.
Bài thơ sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt, từng câu thanh thoát tự nhiên dễ đọc dễ nhớ đã giúp tác giả thể hiện tình cảm chân thành, đáng quý, trong sáng và không có chút vụ lợi với bạn mình.