Cảm nghỉ về người thân ông bà, cha mẹ, thầy cô ... "Lưu ý văn biểu cảm và ko chép trên mạng nha"
1 câu trả lời
Mỗi lần nhìn những người buôn thúng bán bưng mình lại như thấy bà, thấy mẹ, thấy tuổi thơ yêu dấu...
Bà giờ đã đi xa, vườn xưa, nếp nhà đã ít nhiều thay đổi - và cả mình giờ cũng đã bắt đầu khôn lớn. Nhưng hàng cau và giậu mùng tơi vẫn còn đó như kí ức bền bỉ, kiêu hãnh trước thời gian, nhắc mình về gánh hàng rong của bà. Đó là gánh hàng chỉ đơn giản lá trầu quả cau, mấy mớ mồng tơi bó lẫn với rau tập tàng bà hái ở vườn nhà. Đôi quang gánh kĩu kịt trên tấm lưng còng của bà từ vườn nhà lên chợ huyện ngày nắng cũng như ngày mưa. Bà bán rau vườn nhà và tặng cả nụ cười móm mém giữa chốn nhân gian. Hồi ấy mình bằng tuổi em gái mình bây giờ, xa bố mẹ, ở với bà, luẩn quẩn giậu mùng ngắt quả làm mực tím lấm lem, ríu ran theo bà lên chợ huyện cả vài cây số, vài con dốc, đã mơ hồ hiểu cảm giác mỗi lần nhìn thấy nụ cười của bà ấy là hạnh phúc, vì thế mà lúc nào cũng mong có thật nhiều khách mua hàng giúp bà. Hồi ấy bà hay nhặt những quả cau non rụng dưới gốc để têm trầu và tấm tắc khen ngon. Những quả cau đẹp, nằm ngay ngắn thành buồng được đặt vào gánh theo bà ra chợ. Nó thành quà bánh cho mình và những bìa đậu cho ông. Những lúc ấy mình thường ngây thơ thắc mắc:
- Sao bà không để dành những quả cau thật đẹp kia để ăn trầu cho ngon miệng.
Bà hấp háy cặp mắt nhiề u vết chân chim nhìn mình và móm mém cười:
- Cha bố cô! Biết nghĩ cho bà rồi cơ đấy!
Giờ mình hiểu thì bà đã đi xa.
Mình thích cảm giác những buổi sáng ngồi ở hiên nhà xem bà nấu bếp rơm góc sân. Bà đun ấm nước pha trà cho ông, đun nồi lá gội đầu bồ kết cho mình. Mùi thơm của nồi nước gội đầu vương vấn khắp không gian và đến tận bây giờ, mỗi lần bất chợt bắt gặp mùi hương ấy chợt thấy cay nơi sống mũi. Bà thường ngồi gỡ tóc trước hiên nhà. Mái tóc trắng phau của bà được búi gọn gàng trong chiếc mấn vải nâu giản dị. Dưới ánh nắng mai, từng sợi tóc của bà sáng lên. Lúc ấy với mình bà tiên trong truyện cổ chắc cũng chỉ đẹp như bà mà thôi. Mình yêu cảm giác nằm bên bà mỗi tối, nghe bà đọc “Truyện Kiều”. Từng câu thơ lục bát, giờ mình vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa, nhưng nhờ bà mình vẫn thuộc làm lòng:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua mấy cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
Nhớ giọng bà ấm áp, nhẹ như gió thoảng, nhớ những câu Kiều đưa mình vào giấc ngủ ngon lành, bình yên, không mộng mị.
Bà buôn thúng bán bưng đến ngày trở bệnh. Lúc ấy mình đã biết thương bà nhiều hơn. Mình - một đứa trẻ gào khóc như thể tuổi thơ và thời hoa mộng vĩnh viễn ra đi, bất lực trước thời gian, bất lực vì mình chưa đủ lớn để giúp bà thôi buôn thúng bán bưng...
“Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn là nấm cỏ thôi!”
Bà ơi! Nhớ bà nhiều quá! Cháu phải làm thế nào đây? Nếu có phép lạ cho bà sống lại, hiền hậu như xưa, cháu hứa là sẽ không theo bọn cái Quỳnh, cái Ngọc trốn ngủ trưa, trốn bà để bêu nắng ngoài đồng rồi ốm và bà phải thức cả đêm lo lắng, cháu hứa sẽ điện thoại cho bố mẹ nhiều hơn mà không chờ bà nhắc, cháu hứa sẽ không nghịch dại sang hàng xóm trộm na, trộm ổi… Mình đã thầm gào lên biết bao nhiêu lời hứa như vậy. Nhưng đáp lại chỉ là sự lặng im đến hoang hoải. Nước mắt đã khô nhưng nỗi buồn của mình liệu có khô theo năm tháng!?
Mỗi lần nhìn những người buôn thúng bán bưng mình lại nhìn thấy bà, thấy mẹ. Hồi ấy mẹ không buôn thúng bán bưng nhưng cũng tranh thủ sau mỗi giờ lên lớp, soạn bài đi chợ cá, chợ rau, bán hàng tạp hoá. Hồi ấy mẹ chọn nhọc nhằn để tuổi thơ mình không khốn khó. Chọn việc bình thường để dạy mình biết giá trị của lao động vinh quang. Lúc nào mình cũng thấy mẹ cười - Nụ cười gạn đục khơi trong... Nụ cười của mẹ sao giống bà quá đỗi.
Vì thế mỗi lần nhìn thấy người buôn thúng bán bưng mình thường dừng lại... chỉ để được nhìn thấy nụ cười.
Và hẳn trong tim mỗi chúng ta luôn có những người "buôn thúng bán bưng" của riêng mình