I. Chất tinh khiết
Chất tinh khiết là chất không lẫn chất nào khác.
Ngoài ra, chất tinh khiết (chất nguyên chất) còn được định nghĩa là chất được tạo ra từ một chất duy nhất.
Mỗi chất tinh khiết đều có thành phần hóa học và tính chất nhất định. Những tính chất này dùng để nhận biết chất tinh khiết.
Ví dụ:
- Nước cất dùng pha thuốc tiêm chỉ có một chất duy nhất là nước, một chiếc thìa bạc được tạo thành từ một chất duy nhất là bạc, bình khí oxygen chỉ chứa một chất duy nhất là oxygen,…
- Oxygen hóa lỏng ở -183°C, hóa rắn ở -218°C;…
Chất tinh khiết có thể là chất rắn (đường, muối), chất lỏng (nước cất, cồn ethanol,…) hoặc chất khí (oxygen, nitrogen,…)
II. Hỗn hợp
Hỗn hợp được tạo ra khi hai hay nhiều chất trộn lẫn vào nhau.
Ví dụ: Trong cốc nước đường, ngoài nước còn có đường; Trong nước biển cũng có nhiều chất khác nhau như nước, muối ăn,…
III. Hỗn hợp đồng nhất và hỗn hợp không đồng nhất
Hỗn hợp đồng nhất là hỗn hợp có thành phần giống nhau tại mọi vị trí trong hỗn hợp.
Ví dụ: nước muối là hỗn hợp đồng nhất vì trong hỗn hợp nước muối không xuất hiện ranh giới giữa các thành phần,…
Hỗn hợp không đồng nhất là hỗn hợp có thành phần không giống nhau trong toàn bộ hỗn hợp.
Ví dụ: dầu ăn và nước là hỗn hợp không đồng nhất vì trong hỗn hợp dầu ăn và nước xuất hiện ranh giới giữa các thành phần,…
IV. Huyền phù
Huyền phù là một hỗn hợp không đồng nhất gồm các hạt chất rắn phân tán lơ lửng trong môi trường chất lỏng.
Ví dụ: cốc nước cam vắt khi mới pha xong, ta thấy những phần chất rắn nhỏ lơ lửng, đó chính là huyền phù,…
V. Nhũ tương
Nhũ tương là hỗn hợp không đồng nhất gồm một hay nhiều chất lỏng phân tán trong môi trường chất lỏng nhưng không tan trong nhau.
Ví dụ: hỗn hợp dầu ăn và nước là nhũ tương; trộn nhựa đường với nước ta được hỗn hợp không tan trong nhau gọi là nhũ tương nhựa đường, dùng để rải thảm đường nhựa;…